Cách phân biệt vàng da sinh lý, bệnh lý ở trẻ sơ sinh?
Nhiều phụ huynh lầm tưởng phơi nắng có thể chữa được bệnh vàng da sơ sinh, nhưng đây là quan niệm sai lầm có thể khiến trẻ nặng thêm dẫn đến nhiều biến chứng.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, nhiều phụ huynh lầm tưởng tắm nắng có thể hỗ trợ điều trị vàng da, thực ra đây là vàng da sinh lý sau sinh, trẻ có thể tự hết. Tắm nắng chỉ giúp trẻ hấp thụ vitamin D, ánh nắng mặt trời không có nhiều giá trị giúp điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, vàng da sơ sinh thường gặp do tăng bilirubin gián tiếp trong máu. Đa số các trường hợp này là hiện tượng sinh lý và thường giảm dần trong 2 tuần sau sinh. Trẻ non tháng dễ bị vàng da hơn trẻ đủ tháng vì gan chưa trưởng thành, khả năng kết hợp và đào thải bilirubin chậm hơn. Tuy nhiên, trẻ chỉ được xem là vàng da sinh lý khi có tất cả tiêu chuẩn sau:
- Vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi.
- Hết trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng.
- Mức độ vàng da nhẹ (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn).
- Vàng da đơn thuần, không kết hợp các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ, không tăng cân…)
- Nồng độ Bilirubin không quá cao và tốc độ tăng bilirubin hàng ngày không quá nhanh.
Nếu không có đầy đủ các tiêu chuẩn trên, trẻ có thể bị vàng da bệnh lý nên cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa Nhi vì nếu để bilirubin máu tăng quá cao, chất này sẽ đi vào não gây tổn thương não trẻ sơ sinh có thể gây tử vong hoặc sống sót được thì cũng bị di chứng não suốt đời. Do vậy việc phát hiện vàng da sớm và đưa bé đi khám để được theo dõi và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Bác sĩ sẽ xác định mức bilirubin trong máu và chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp.
Hiện nay vàng da sơ sinh được điều trị bằng chiếu đèn, nặng hơn trẻ có thể phải thay máu.
Bác sĩ Phạm Lê Mỹ Hạnh cũng lưu ý, ánh sáng sử dụng điều trị vàng da hiệu quả nên là ánh sáng xanh dương, trong khi ánh nắng mặt trời có nhiều dãy ánh sáng. Ánh nắng mặt trời có tia hồng ngoại có thể gây phỏng da, hoặc tia tử ngoại gây ung thư da. Trong khi đó, làn da của trẻ sơ sinh mỏng manh, chỉ bằng ⅕ da người lớn, da bé hoàn toàn không có khả năng chống bức xạ của tia UV. Chính vì thế, một số nước châu Âu không khuyến cáo cho trẻ tắm nắng vì nguy cơ ung thư da.
Mới đây, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ đã khuyến cáo, trẻ dưới 6 tháng tuổi tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng ở bất kỳ thời gian nào trong ngày. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không nên cho trẻ dưới 1 tuổi phơi nắng do da còn yếu. Nếu cho trẻ phơi trực tiếp dưới ánh nắng, các bé có nguy cơ mắc những bệnh lý về da, đặc biệt ung thư da, lão hóa da.
“Nếu phụ huynh không muốn cho trẻ uống vitamin D hàng ngày thì có thể lựa chọn việc tắm nắng cho trẻ. Tuy nhiên, phải trang bị kiến thức thời gian tắm, cách tắm hợp lý vì tắm nắng sai cách khiến trẻ dễ ung thư da, hít phải nhiều khói bụi”, bác sĩ Mỹ Hạnh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, ban đầu chỉ nên cho trẻ phơi nắng khoảng 5-10 phút, sau đó tăng dần lên và lưu ý không được tắm nắng quá 20 phút một lần. Nơi tắm nắng cho bé cần yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, trong lành, tránh gió lùa và khói bụi, hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp vào vùng mặt, đầu và phải che mắt bé để tránh tổn thương võng mạc. Khi bé bị ốm hoặc khi trời lạnh phải ngừng tắm nắng cho bé.
Theo bác sĩ Mỹ Hạnh, rất khó để tắm nắng tạo đủ nhu cầu vitamin D mỗi ngày cho bé. Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoặc sữa công thức <1 lít/ngày, kết hợp uống thêm vitamin D 400 IU/ngày sẽ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Có thể uống vitamin D kéo dài đến 12 tháng (theo khuyến cáo của viện Hàn lâm Y khoa Hoa Kỳ) nếu trẻ không tiếp xúc ánh sáng mặt trời thường xuyên.
Phụ huynh có trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng vẫn cần tiếp xúc với môi trường tự nhiên ngoài trời, nhưng cần trang bị các công cụ chống nắng, không để trẻ đi ra ngoài trời thời điểm nắng gắt.
Comments are closed.