Chọc hút trứng cho bệnh nhân Covid-19 – Niềm vui trọn vẹn mùa dịch
Tưởng như chu kỳ chọc hút trứng phải hủy bỏ vì không may mắc Covid-19, chị Nguyễn Thị Huệ (37 tuổi) bật khóc vỡ òa khi được bác sĩ thông báo chị sẽ được chọc hút trứng và không phải dừng chu kỳ. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân là F0 đầu tiên được chọc hút trứng tại IVFTA.
Gian nan chờ ngày ươm mầm
Vợ chồng chị Huệ quyết định đến bệnh viện Tâm Anh sau chuỗi ngày rong ruổi và tìm hiểu nhiều bệnh viện có tiếng về Hỗ trợ sinh sản trong thành phố. Gần 40 tuổi, 2 vợ chồng vẫn mong mỏi đi tìm mụn con đầu lòng.
Theo bác sĩ Lê Xuân Nguyên, bác sĩ TT Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM), người trực tiếp tiếp nhận điều trị cho biết: “Trường hợp của vợ chồng chị Huệ có nhiều vấn đề trở ngại, trong đó lớn nhất là chị Huệ khá lớn tuổi, chất lượng buồng trứng đang giảm dần ở độ tuổi 38, cộng với chồng tinh trùng hơi yếu và ở lần mang thai đầu tiên anh chị phải chấm dứt thai kỳ sớm vì em bé có bất thường di truyền vì mắc hội chứng Trisomy 18”.
Trisomy 18 hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên Hội chứng Edwards, là tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể khi thừa nhiễm sắc thể số 18. Tỷ lệ mắc phải rơi vào khoảng 1/5000 trẻ. Thông thường, mỗi bào thai có tổng số 46 nhiễm sắc thể, trong đó nhận được 23 nhiễm sắc thể từ mẹ và 23 nhiễm sắc thể từ bố. Tuy nhiên, một số trường hợp hiếm gặp sẽ bị rối loạn nhiễm sắc thể. Ở Hội chứng Edwards, thai nhi bị thừa một bản sao của nhiễm sắc thể số 18 nên thường được gọi là Trisomy 18. “Hiện vẫn chưa có khẳng định chính xác về nguyên nhân gây ra hội chứng này, nhưng quan sát cho thấy tỷ lệ mắc phải ở thai nhi sẽ tăng theo độ tuổi của sản phụ (từ 35 tuổi trở lên có nguy cơ cao hơn). Chị Huệ cũng không ngoại lệ”, bác sĩ Nguyên cho biết thêm.
Sau lần chấm dứt thai kỳ đầu tiên, vợ chồng chị Huệ thả nhưng mãi không có tin vui. Từng có ý định chọn lọc giới tính và mong muốn sinh đôi nhưng khi đến với IVF Tâm Anh, nghe bác sĩ Nguyên chia sẻ về những mặt trái của những câu chuyện liên quan đến giới tính và đa thai thì may mắn 2 vợ chồng cùng hiểu và quay lại Tâm Anh điều trị.
Đối với trường hợp của vợ chồng chị Huệ, bác sĩ Nguyên lên phác đồ kích thích buồng trứng cho vợ và lấy tinh trùng cho chồng để tạo phôi, nuôi đến ngày 5, tiến hành sinh thiết phôi để tìm những bất thường, loại trừ những phôi bất thường để em bé sinh ra được an toàn khỏe mạnh.
Tuy nhiên, kết quả test Covid-19 trước ngày lên phòng chọc hút, chồng chị dương tính với virus SARS-CoV-2. Chị Huệ được chỉ định xét nghiệm PCR. Khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm dường như dài vô tận với cả bệnh nhân và bác sĩ. Tâm trạng chị khá tiêu cực sau gần 10 ngày chích thuốc đau đớn, và áp lực con cái vì gia đình nội ngoại đều mong cháu đầu lòng, trong khi tuổi ngày một lớn.
12h đêm, bác sĩ Nguyên nhận được kết quả PCR của chị Huệ dương tính với virus SARS-CoV-2. Vợ chồng chị đối diện với nguy cơ phải hủy chu kỳ chọc hút trứng. Chị là giáo viên, chồng là nhân viên công chức, gom góp mãi từ thu nhập còm cõi, hai vợ chồng mới dám bước vào hành trình tìm con. Thế nhưng công sức, tiền bạc, niềm hy vọng của hai vợ chồng chị lại sắp đổ sông đổ biển.
Gom nỗ lực tạc hình hài “con”
Thấu hiểu và cảm thông với hoàn cảnh bệnh nhân, Thạc sĩ, Bác sĩ Giang Huỳnh Như – Giám đốc Trung tâm IVFTA-HCM và bác sĩ Lê Xuân Nguyên trắng đêm đề tìm đọc các bài báo cáo cũng như tài liệu liên quan đến bệnh nhân điều trị IVF mắc Covid-19 để tìm hướng đi.
Nếu như trước đây là người ta khuyên bỏ luôn chu trình đang điều trị vì những nghi ngờ tác động của virus ảnh hưởng lên trứng, tinh trùng, phôi; nhưng theo các tài liệu gần đây, một hiệp hội lớn về phôi học, thai nhi ở châu Âu vẫn khuyến cáo là những tác động này chưa rõ ràng, có một số trung tâm ở Thụy Điển có theo dõi một số trường hợp những tài liệu báo cáo chứng minh người bị Covid-19 nhưng kết quả điều trị vẫn an toàn.
Hơn 5h sáng, Thạc sĩ Giang Huỳnh Như trao đổi với Ban Giám đốc xin công lệnh khẩn để có thể chọc hút trứng cho bệnh nhân đúng ngày dự kiến. Khoảng 8h30 sáng, nhận được công văn đồng thuận của BGĐ, cả Trung tâm IVFTA-HCM bắt tay hành động.
Sau khi tiêm mũi rụng trứng, thì 34-40 giờ sau, người phụ nữ sẽ phải chọc hút trứng. Nếu chọc hút sớm, bệnh nhân có thể không thu được trứng. Nếu lấy trễ, trứng sẽ rụng hoặc thoái hóa. Thời gian ngặt nghèo yêu cầu ekip chọc hút trứng cho bệnh nhân Huệ phải gấp rút, nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng và kiểm soát nhiễm khuẩn.
May mắn, từ khi đại dịch bùng phát ở giai đoạn đầu, đội ngũ bác sĩ tại IVF TA đã lên sẵn kế hoạch đối phó khi có trường hợp này xảy ra, kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết từng bước, nên việc thực hiện không có nhiều khó khăn. Phòng chọc hút trứng được setup nhanh chóng ở khu vực riêng, tất cả máy móc được cần thiết được di chuyển xuống căn phòng đặc biệt này.
Theo Thạc sĩ Giang Huỳnh Như, quy trình chọc hút trứng khá đặc thù và không giống như việc setup một phòng mổ bình thường. Ngay đến cả cái bàn đựng dụng cụ, nếu bình thường chỉ cần bàn inox vô trùng thì đối với với việc chọc hút trứng, phải là bàn ấm 37 độ. Máy siêu âm cũng phải là máy của chuyên dụng của IVF với một số yêu cầu về kỹ thuật… Do đó, tất cả các thiết bị khi đưa xuống phải sát khuẩn rất kỹ. Một ekip gồm những bác sĩ, chuyên viên phôi học giàu kinh nghiệm được giao nhiệm vụ thực hiện ca chọc trứng hy hữu này.
11 giờ cùng ngày, chị Huệ được chọc hút trứng. Dự đoán ban đầu, chị sẽ được chọc hút trứng vào 8 giờ sáng, với 21 nang noãn được phát hiện trong siêu âm. Thực tế, thời gian chọc hút thực hiện trễ gần 3 tiếng đồng hồ nhưng may mắn vẫn lấy được trọn vẹn 21 nang trứng. Có một số noãn bị thoái hóa do vấn đề thời gian, nhưng bệnh nhân vẫn trữ được 15 cái noãn trưởng thành, có tiềm năng kết hợp với tinh trùng để tạo thành phôi. Sau chọc hút, bệnh nhân hồi phục rất nhanh, không đau đớn.
IVFTA-HCM đang tiến hành trữ kín, tức là mỗi giao tử (trứng, tinh trùng) của một bệnh nhân đều được trữ trong dụng cụ riêng. Do đó, nếu không may bị Covid-19 hoặc một tác nhân lây nhiễm khác như viêm gan B, viêm gan C… thì sự lây nhiễm của giao tử đó với các giao tử khác bên ngoài hầu như bằng 0.
Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất, ngay cả Hiệp hội Sinh sản và Phôi học của châu Âu cũng lấy tiêu chuẩn đó để áp dụng cho những trung tâm hàng đầu.
Bên cạnh vấn đề noãn chọc hút từ bệnh nhân F0, thì cũng có khá nhiều giả thiết liên quan đến ảnh hưởng của Covid trên tinh trùng của người nam giới, nhất là mối tương quan giữa Covid và sự phân mảnh DNA tinh trùng (DFI). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu vẫn chưa chứng minh một cách rõ ràng. IVFTA-HCM có những công cụ hiện đại nhất để an tâm điều trị cho bệnh nhân F0 như kỹ thuật lọc rửa tinh trùng có độ phân mảnh cao.“Đó là lý do chúng tôi vẫn tiến hành tạo phôi cho chị Huệ. Mặc dù biết ảnh hưởng của Covid-19 vẫn có, nhưng vì tự tin về những gì mình đã làm được nên chúng tôi quyết định điều trị theo nguyện vọng của bệnh nhân”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, tại IVFTA-HCM, với những trường hợp bệnh nhân là F0 không triệu chứng, sức khoẻ bình thường nếu đến giai đoạn chọc hút trứng sẽ không phải huỷ chu kỳ và tiến hành chọc hút bình thường. Từ đầu tháng 3 đến nay, trung tâm đã chọc hút gần 10 ca là F0 và gần như không chu kỳ chọc hút nào phải hủy bỏ. Điều này đã giảm bớt sự lo lắng cũng như gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Có những khoảnh khắc có thể làm thay đổi cả cuộc sống của một con người và tại IVFTA-HCM, hy vọng với sự tận tâm, trách nhiệm và đặt người bệnh lên trên hết sẽ là người bạn đồng hành cùng các cặp vợ chồng trên hành trình thiêng liêng này!
Bổ Thận Kanka Katsuryokujin bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi và khả năng quan hệ tình dục. Sản phẩm dùng cho người trưởng thành yếu sinh lý, người mệt mỏi và muốn tăng cường sinh lực.
Comments are closed.