Chuyên gia chia sẻ những lưu ý trong chăm sóc mẹ bầu và sản phụ F0
Mẹ bầu và sản phụ không may nhiễm COVID-19 hoặc sống cùng người nhiễm COVID-19 không nên quá sợ hãi, thay vào đó cần tuân thủ nguyên tắc 5K, thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc, đeo khẩu trang, uống thêm vitamin tăng thể trạng, đặc biệt chỉ dùng thuốc điều trị triệu chứng khi có chỉ định và kê toa từ bác sĩ.
Thông tin trên được các chuyên gia của Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến “Lưu ý trong chăm sóc mẹ bầu và sản phụ F0 mang thai khỏe mạnh, sinh con an toàn giữa đại dịch COVID-19” tối 23/3/2022 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Trước tình huống ca nhiễm COVID-19 chưa dừng lại và ngày càng xuất hiện nhiều biến thể mới, nhiều mẹ bầu và sản phụ lo lắng nếu chẳng may bị F0 sẽ đối mặt với những nguy cơ nào. BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, phụ nữ mang thai khi nhiễm virus đường hô hấp nói chung hay SARS-CoV-2 nói riêng có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai.
Đặc biệt, các triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu phụ nữ mang thai có các yếu tố bệnh lý nền kèm theo khi mang thai như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, cường giáp… Nguy hiểm nhất là nguy cơ bị viêm phổi, mẹ bầu và sản phụ có thể gặp phải khó khăn khi điều trị kéo dài dẫn đến suy hô hấp, đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ Lê Thanh Hùng khuyến cáo, mẹ bầu và sản phụ cần chú ý những dấu hiệu nhận biết triệu chứng nặng khi nhiễm COVID-19 để đến ngay bệnh viện, có can thiệp xử trí kịp thời. Bộ Y tế phân mức độ nặng theo 5 mức như sau:
- Mức độ 1 là không triệu chứng, mẹ bầu nhiễm COVID-19 hoàn toàn không có triệu chứng, đo nồng độ SpO2 trên 96%.
- Mức độ 2 là triệu chứng nhẹ. Mẹ bầu sốt, ho, nghẹt mũi, đau họng, mỏi cơ, mất khứu giác, vị giác… tuy nhiên, không khó thở, theo dõi nhịp thở dưới 20 lần/phút và nồng độ SpO2 trên 96%. Ở mức này, mẹ bầu vẫn có thể sinh hoạt bình thường, không cần hỗ trợ.
- Mức độ 3 là triệu chứng trung bình, mẹ bầu cũng có những triệu chứng nhẹ, tuy nhiên có thêm biểu hiện về nhịp thở như thở nhanh trên 20 lần/phút, đo nồng độ SpO2 dưới 96%. Ở mức độ này mẹ bầu sẽ mệt mỏi và gắng sức khi làm công việc nhà hoặc lên xuống cầu thang. Nếu cảm thấy cơ thể không khỏe, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay lập tức.
- Mức độ 4 và 5 là triệu chứng nặng và nguy kịch. Trong tình huống này sẽ xảy ra nhiều nguy cơ nếu mẹ bầu không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Do đó, khuyến cáo từ mức độ 3 mẹ bầu cần chú ý triệu chứng và chuẩn bị phương án dự phòng.
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, việc chăm sóc mẹ bầu và sản phụ nhiễm COVID-19 sẽ khác so với chăm sóc bệnh nhân bình thường. Mẹ bầu và sản phụ đang cho con bú không được điều trị bằng thuốc kháng virus, chỉ tập trung điều trị triệu chứng. Nếu mẹ bầu và sản phụ F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nhiều mẹ bầu F0 lo lắng gặp phải các triệu chứng phiền toái của hậu COVID-19, ThS.BS Lâm Hoàng Duy, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, hiện nay các tài liệu về hậu COVID-19 cho biết hậu COVID-19 mẹ bầu và sản phụ có thể gặp các triệu chứng sốt, ho, đau họng kéo dài.
“Trong trường hợp triệu chứng sốt không thuyên giảm mặc dù đã uống thuốc hạ sốt, mẹ bầu và sản phụ cần đến ngay bệnh viện để thăm khám. Đặc biệt, trong thời gian theo dõi tại nhà, mẹ bầu cần chú ý dấu hiệu thai máy: nếu cảm nhận thai nhi đạp yếu, đạp ít hoặc đau bụng, có ra huyết âm đạo… mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ sản khoa hướng dẫn cụ thể”, bác sĩ Lâm Hoàng Duy nhấn mạnh.
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
Khán giả An Diệp gửi câu hỏi về chương trình: Em bị F0 và hiện đang mang thai 10 tuần. Em thuộc dạng nghén rất nặng, lần mang thai trước đều nghén tới ngày sinh. Lần mang thai này ban đầu cũng nghén như thế, nhưng em bị F0 thì 2 hôm nay em tự dưng hết nghén hoàn toàn, em mất hết triệu chứng lúc mang thai. Hiện tại vì đang F0 nên chưa đi khám được, không biết như vậy thì em và con có sao không bác sĩ?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Theo thông tin bạn chia sẻ thì bạn đang mang thai lần thứ 2, nhưng chưa cung cấp thông tin tình trạng chích ngừa của bạn. Các triệu chứng bạn mô tả thuộc nhóm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, và nghén không phải là triệu chứng của COVID-19.
Khi nhiễm COVID-19 ở mức độ không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thường tiên lượng tốt, không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Đến hiện tại, thai kỳ của bạn vẫn chưa ghi nhận những bất thường, do đó bạn không nên quá lo lắng. Khi xét nghiệm âm tính trở lại, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám, đánh giá lại tình trạng.
Khán giả Quốc Nhựt gửi câu hỏi về chương trình: Vợ em đang mang thai con đầu lòng không may em bị dương tính. Hiện tại vợ em âm tính nhưng bị sốt, lâu lâu ho vài cái nên em rất lo, sợ rằng vợ cũng nhiễm COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến em bé. Trong trường hợp vợ em dương tính mà các triệu chứng nặng và thường xuyên hơn thì em có thể cho vợ dùng thuốc điều trị COVID đang được bán tại các hệ thống thuốc Tây không, nếu sử dụng thì xác suất ảnh hưởng đến em bé thế nào?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Thuốc kháng COVID-19 mặc dù đang được bán rộng rãi nhưng chống chỉ định với thai phụ và mẹ đang cho con bú. Do đó, với trường hợp vợ bạn hiện chỉ nên theo dõi và điều trị triệu chứng. Nếu các triệu chứng trở nặng, bạn nên đưa vợ đến trung tâm y tế gần nhất để được chăm sóc tốt hơn.
Không rõ vợ bạn đang ở tuần thai bao nhiêu, trường hợp thai lớn có thể theo dõi qua thai máy. Nếu có triệu chứng bất thường như đau bụng, ra huyết, khó thở nặng hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bạn nên đưa vợ đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Khán giả Phúc An gửi câu hỏi về chương trình: Em bị F0 5 ngày, đang mang thai 15 tuần. Cách đây 10 ngày em đã chích 1 mũi vaccine AstraZeneca. Những ngày qua em có bị ho, nghẹt mũi, hắt xì, không ăn uống được, em đang cách ly tại nhà. Trong quá trình em ho kèm nôn ói, 2 hôm nay có kèm đau đầu thì có phải bị nặng không, và có cách nào cải thiện tình trạng này không?
ThS.BS Lâm Hoàng Duy: Khi thai phụ nhiễm COVID-19 càng vào gần cuối ngày sinh thì triệu chứng sẽ diễn tiến nặng hơn. Bạn đang ở giai đoạn giữa thai kỳ, triệu chứng sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, bạn nên đo SpO2 và theo dõi sát sao vì diễn tiến COVID có thể nặng lên bất cứ lúc nào. Nếu bạn cảm thấy khó thở, mệt mỏi hơn, SpO2 tụt thấp thì nên đến ngay cơ sở y tế. Trong trường hợp bạn đã hoàn tất cách ly và test âm tính, bạn cần nhanh chóng đi khám thai để kiểm tra tình trạng thai nhi.
Khán giả Mỹ Đinh gửi câu hỏi về chương trình: Em mang thai đôi IVF 27 tuần. Em có triệu chứng sốt, ho, test thì dương tính với COVID-19. Cho em hỏi có ảnh hưởng đến em bé không và hậu COVID thì cần lưu ý gì? Em chưa tiêm phòng COVID-19.
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Rất tiếc khi bạn chưa được tiêm phòng COVID-19. Hiện tại các triệu chứng bạn mô tả khá nhẹ, tuy nhiên, bạn nên theo dõi lượng oxy trong máu bằng máy SpO2, nếu dưới 96% thì cần đến ngay cơ sở y tế. Đến hiện tại bạn chưa có chuyển biến nặng, do đó không cần quá lo lắng, chỉ cần tiếp tục theo dõi sát sao.
Nếu bạn chỉ bị COVID-19 ở mức không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến em bé hay sảy thai, sinh non. Tuy nhiên, vì bạn mang thai đôi nên sẽ tiềm ẩn những rủi ro của thai kỳ như sinh non, cao huyết áp… Do đó, bạn cần được theo dõi thai kỳ sát sao. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt sau khi khỏi COVID-19.
Khán giả Phạm Dương gửi câu hỏi về chương trình: Em mang thai 3-4 tuần thì nhiễm COVID-19, nay 8 ngày rồi mà 2 vạch vẫn mờ mờ. Em hay ho có đờm nhiều, nghén nhiều, không ăn được gì, nghe mùi đồ ăn là sợ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em chế độ dinh dưỡng phù hợp. Em bị tiểu đường thai kỳ.
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Bạn đang ở giai đoạn thai kỳ sớm nên việc theo dõi có khó khăn hơn. Bạn nên theo dõi kỹ hơn, nếu có đau bụng hay ra huyết bất thường thì cần đến bệnh viện ngay lập tức. Có một ảnh hưởng nhỏ đến em bé, đặc biệt khi bạn ho có thể kích thích cơn gò tử cung. Do đó, bạn nên uống thêm các thảo dược trị ho như siro ho, kẹo ngậm ho, nếu ho có đờm thì liên hệ bác sĩ để được kê toa. Sau khi hết COVID-19 cần khám lại ngay.
Ngoài ra, bạn bị tiểu đường thai kỳ, đây là một yếu tố nguy cơ khiến COVID-19 có thể nặng hơn. Vì vậy, bạn nên theo dõi kỹ, nếu SpO2 sụt giảm thì cần đến bệnh viện.
Khi bị COVID-19, vị giác và khứu giác bị ảnh hưởng nên việc ăn uống cũng kém. Do đó, bạn cần tăng cường dinh dưỡng, ăn đa dạng nhóm chất, kiêng ăn đồ ngọt, tinh bột, uống sữa không đường, đặc biệt cần bổ sung vitamin và khoáng chất đầy đủ để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi.
Khán giả Thiên Trang gửi câu hỏi về chương trình: Em đã hết COVID-19 đã 3 tuần rồi mà vẫn ho lắm, không biết em ho là do em bé trong bụng mọc tóc hay là triệu chứng hậu COVID-19? Em cần làm gì để giảm bớt tình trạng này?
ThS.BS Lâm Hoàng Duy: Hậu COVID-19 có thể kéo dài ngay sau khi bạn mắc bệnh, giai đoạn đầu được gọi là giai đoạn chuyển tiếp có thể kéo dài 4 tuần, ngay khi bạn vừa hết bệnh xong ở giai đoạn chuyển tiếp này bạn vẫn bị ho, giống hệt như lúc bạn đang còn bệnh, chỉ khác là xét nghiệm của bạn đã âm tính. Do đó, để điều trị những trường hợp ho, bạn có thể sử dụng các loại thuốc trị ho mang tính thảo dược, súc họng thường xuyên để giúp cho mình nhanh chóng bớt ho, bớt khó chịu. Bạn cũng có thể sử dụng các kẹo ngậm để đỡ đau họng. Nếu ho có đờm nghĩa là bạn đã bội nhiễm với vi khuẩn, bạn có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ kê toa thuốc sẽ tốt hơn là bạn tự mua ở nhà thuốc, vì sử dụng kháng sinh không đúng quy định nó sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
Việc em bé mọc tóc mà ho chưa được ghi nhận thông tin chính thống, do đó việc bạn ho có thể là giai đoạn chuyển tiếp của COVID-19 nên việc bạn đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn chăm sóc là giải pháp tốt nhất.
Khán giả Hoàng Yến gửi câu hỏi về chương trình: Tôi năm nay 42 tuổi, hiện đang mang thai con đầu lòng được 5 tuần nhưng tuần trước thì có tiêm vaccine ngừa COVID-19 do không biết mang thai. Tôi có đi khám thai ở bệnh viện địa phương thì bác sĩ có khuyên là dừng thai kỳ, có bác sĩ lại khuyên tôi nên giữ. Cho tôi hỏi nếu giữ cái thai thì em bé có cần làm các xét nghiệm để đảm bảo em bé không bị dị tật hay không và các xét nghiệm đó là gì? Khả năng em bé bị dị tật cao hay thấp? Tôi cũng lớn tuổi rồi mới có con nên rất lo lắng, mong bác sĩ tư vấn giúp.
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Đầu tiên, xin chúc mừng bạn dù 42 tuổi đã mang thai đứa đầu tiên, đối với bạn đây là một thai kỳ vô cùng quý giá. Lo lắng đầu tiên của bạn là thai 5 tuần tiêm vaccine có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi hay không, đến nay các nghiên cứu đều cho một đồng thuận là tiêm vaccine sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai trong giai đoạn này, do đó bạn yên tâm là vaccine đến thời điểm hiện nay chưa gây ra bất lợi gì cho thai nhi.
Điều bạn quan tâm, chúng tôi cũng lo lắng đó là tuổi của bạn. Hiện tại bạn 42 tuổi, khi mang thai bạn được xếp vào nhóm thai kỳ nguy cơ cao. Những nguy cơ tiềm ẩn mà mẹ bầu 42 tuổi có thể gặp như tiểu đường, cao huyết áp. Rủi ro thứ 2 khi bạn mang thai ở tuổi 42 là những bất thường về nhiễm sắc thể, về mặt di truyền cũng như hình thái đều nguy cơ cao hơn so với lứa tuổi dưới 35.
Do đó, việc bạn lo lắng về vaccine tạm thời nên để qua một bên, bạn nên đến thăm khám để chúng tôi tư vấn để tầm soát những bất thường trong diễn tiến thai kỳ nguy cơ của bạn. Những cái bất thường thường quy nào sẽ được sàng lọc vào tuần thai từ 11 đến 13 tuần 6 ngày. Riêng bạn 42 tuổi, chúng tôi sẽ tư vấn xét nghiệm sàng lọc cao cấp hơn, đó là sàng lọc xét nghiệm máu không xâm lấn thay cho xét nghiệm Double Test, sẽ có độ nhạy và độ chính xác cao hơn làm Double Test.
Mong rằng bạn có thể sắp xếp đến bệnh viện để khám thai sớm, chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ bệnh lý nền, hướng dẫn lịch khám thai tiếp theo cũng như có sàng lọc tốt nhất cho bạn.
Khán giả Hằng Lệ gửi câu hỏi về chương trình: Em sinh bé được 2 hôm thì có kết quả dương tính với COVID-19, hiện em đã âm tính trở lại nhưng hậu COVID em vẫn hay bị ho kèm hụt hơi giữa chừng. Em có tập những bài tập thở có trên mạng nhưng không biết có phải em tập chưa đúng cách hay sao mà thấy không hiệu quả. Tình trạng ho và hụt hơi như em nên điều trị như thế nào để khỏi?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Các triệu chứng bạn gặp phải như khó thở, hụt hơi là những triệu chứng thường gặp hậu COVID-19. Hiện tại bạn đã sinh bé rồi, tuy nhiên bạn vẫn nên cho bé bú trong trường hợp này, không vì lý do bạn mắc COVID-19 mà ngưng sữa của bé. Bạn vẫn cho bé bú và đảm bảo vệ sinh, giữ khoảng cách bình thường với bé, đặc biệt là đeo khẩu trang khi cho bé bú.
Bạn vẫn hụt hơi, bị ho sau nhiễm bệnh có thể do phổi của bạn đã có những tổn thương khi bạn nhiễm COVID-19. Do đó, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và khám sức khỏe tổng quát các cơ quan bên trong cơ thể hậu COVID-19. Bạn đã sinh bé rồi nên bạn có thể chụp X-Quang để kiểm tra tình trạng phổi, làm xét nghiệm đông máu của mình để cho kết quả rõ hơn về các triệu chứng, tránh diễn tiến nặng hơn hậu COVID-19. Một số trường hợp có thể phải điều trị tâm lý hậu COVID-19 để tránh việc trầm cảm sau khi nhiễm bệnh.
Về các bài tập thở, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để được hướng dẫn đúng cách vì hiện tại trên các trang mạng có rất nhiều các bài hướng dẫn, tuy nhiên không phải thông tin nào cũng chính xác. Nếu thực hành theo các bài tập không đúng có thể gặp tác dụng ngược, có thể khiến bạn bị hụt hơi khó thở nhiều hơn. Do đó, trường hợp của bạn tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám hậu COVID-19 và được hướng dẫn điều trị chính xác hơn.
Khán giả Trang Hoàng gửi câu hỏi về chương trình: Tôi có đứa cháu sắp đến ngày siêu âm 4D thì mắc COVID-19, nhưng vì đã tiêm đủ 3 mũi nên triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên cháu vẫn lo lắng cho thai nhi trong bụng. Tôi muốn hỏi liệu mẹ mắc COVID-19 vào thời điểm này thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi không thưa bác sĩ?
ThS.BS Lâm Hoàng Duy: Cho đến thời điểm hiện tại, các y văn trên Thế giới chưa ghi nhận virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi, hoặc những bất thường gì khác khi mang thai cho người phụ nữ. Tuy nhiên, đối với bất cứ thai kỳ nào cũng hiện hữu những rủi ro thai nhi sẽ gặp một số bất thường trong bụng mẹ do chọn lọc tự nhiên, do đó, ở 3 tháng giữa thai kỳ như ở tuần thai thứ 20, cháu của bạn sẽ cần làm siêu âm 4 chiều để kiểm tra xem em bé có bất thường gì về hình thái học hay không.
Nếu như cháu của bạn đã tiêm đủ 3 mũi vaccine ngừa COVID-19, và hiện nay đang là F0 không có triệu chứng nặng thì bạn có thể hướng dẫn cháu tự chăm sóc tại nhà cho đến khi hoàn thành thời gian cách ly, xét nghiệm âm tính trở lại thì có thể đến bệnh viện để kiểm tra, siêu âm hình thái học cho em bé. Siêu âm hình thái học ở tuần 20 là tốt, nhưng mình có thể làm trễ hơn 1-2 tuần sau đó, ở tuần thai thứ 22 hoặc 24 tuần vẫn có thể kiểm tra được.
Điều chúng tôi lo lắng nhiều nhất khi thai phụ nhiễm COVID-19 ở 20 tuần là ảnh hưởng lên người mẹ. Do đó, bạn nên hướng dẫn cháu nếu có những dấu hiệu như khó thở, đau ngực, đo SpO2 ở nhà thấp hơn 96% thì nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay lập tức. Về phía thai nhi, nếu em bé đạp ít, nhận thấy dấu hiệu ra huyết không rõ nguyên nhân thì nên đến bệnh viện kiểm tra, xem có dấu hiệu gì nguy hiểm đối với mẹ và bé hay không.
Khán giả Hà Nguyễn gửi câu hỏi đến chương trình: Em mang thai bé đầu bị phù thai, tràn dịch màng phổi, tim, bụng và hở van tim, em có làm Double Test nhưng không phát hiện, em có khám thai nhưng không rõ nguyên nhân, phải đình chỉ thai lúc 22 tuần. Hiện tại em đang bầu 16 tuần, khám thai ở tuần 12 chỉ số của bé vẫn bình thường. Nhưng em đang là F0, nhức đầu, ho, sốt 38, 39 độ, em đang rất lo lắng với những triệu chứng này thì có tăng nguy cơ cho bé hay không. Và nếu ho nhiều thì có bị sảy thai hay sinh non không?
BS.CKII Lê Thanh Hùng: Ở lần mang thai đầu tiên như bạn mô tả thì có tràn dịch đa màng, dẫn đến đình chỉ thai. Hiện tại bạn đang mang thai, sức khỏe bình thường và bị F0, với những triệu chứng bạn mô tả thì chúng tôi xếp loại tình trạng ở dạng nhẹ. Tuy nhiên, bạn nên kiếm máy đo SpO2 để độ độ bão hòa oxy trong máu để theo dõi kỹ hơn.
Lo lắng bạn đặt ra chúng tôi hết sức chia sẻ, đầu tiên khi bạn mắc COVID sẽ không ảnh hưởng đến thai như lần trước, và bạn nên xem lần đó như một rủi ro. Thai kỳ hiện tại ở tuần 16, khi hết nhiễm COVID bạn nên đi khám thai để sàng học những bất thường hình thái học sớm từ 16-18 tuần, từ đó xác định có gì bất thường hay không. Đồng thời, từ 20-24 tuần bạn cũng cần làm thêm một siêu âm hình thái nữa để chắc chắn không có bất thường nào và thai kỳ diễn ra suôn sẻ, không gặp sự cố gì. Mong bạn nhanh hết bệnh và đi khám sớm.
Khán giả Nguyễn Lan Hương gửi câu hỏi về chương trình: Em đang mang thai 38 tuần chuẩn bị đi sinh, đã mua gói sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Em có một số thắc mắc như sau mong được bác sĩ giải đáp: Mẹ bầu F0 đi sinh tại bệnh viện thì bé có được da kề da và bú mẹ hay không? Người thân là F0 khỏi bệnh xin tự nguyện vào chăm sóc có được hay không? Khi nhập viện em có cần làm thêm các xét nghiệm nào hay không?
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An: Thứ nhất, là F0 sau khi sinh em bé, bạn vẫn được da kề da với con và cho con bú bình thường, chúng tôi khuyến khích bạn cho bé bú ngay từ những giờ đầu tiên. Khi đặt giữa lợi ích và nguy cơ thì sữa mẹ cho con bú trong giai đoạn này vẫn rất là cần thiết, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng có kháng thể virus trong sữa mẹ cho bé và tỷ lệ lây nhiễm bệnh khi mẹ cho bé bú là rất hiếm gặp, rất khó có khả năng xảy ra, đặc biệt khi mẹ vẫn đảm bảo việc mang khẩu trang khi cho con bú, đảm bảo việc vệ sinh sát khuẩn trước và sau khi chạm vào em bé khi mẹ đang chăm sóc cho con. Do đó, bác sĩ khuyến khích mẹ cho con bú ngay sau khi sinh và tại BVĐK Tâm Anh chúng tôi luôn thực hiện da kề da sau sanh và sau mổ khi điều kiện sức khỏe của cả mẹ và bé cho phép.
Thứ hai, hiện tại để tránh việc lây nhiễm chéo, mẹ bầu nên cố gắng đi sinh một mình, hạn chế người nhà theo cùng. Việc chăm sóc cho mẹ và bé sau sinh sẽ có đội ngũ nhân viên y tế tại BVĐK Tâm Anh chăm sóc tận tình, chu đáo, tận tình cho bạn sau khi bạn sinh, bạn và gia đình không cần quá lo lắng.
Thứ ba, khi nhập viện bạn sẽ làm các xét nghiệm có trong gói sinh, bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm GBS và khi nhập viện chúng ta sẽ làm thêm cái test nhanh, ngoài ra bạn không cần làm thêm xét nghiệm nào khác.
Comments are closed.