Chuyên gia giải đáp 21 câu hỏi về hội chứng tim mạch hậu Covid-19
“Nên đi thăm khám ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng tim mạch hậu Covid-19 giúp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời để phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng thêm”, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo tại buổi tư vấn trực tuyến “Tầm soát và điều trị hội chứng tim mạch hậu Covid-19”.
Nghiên cứu cho thấy có nhiều triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục Covid-19. Trong đó, 1/5 số bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp các bất thường về tim ở thời điểm 2 tháng sau khi nhiễm Covid-19. Và 6 tháng sau khi nhiễm, số trường hợp bị tổn thương tim vẫn còn khoảng 5-9%. Người có sẵn bệnh nền tim mạch, khi mắc Covid-19 có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Trong chương trình tư vấn trực tuyến “Tầm soát và điều trị hội chứng tim mạch hậu Covid-19” diễn ra vào ngày 20/4/2022, các chuyên gia đến từ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã giải đáp những thắc mắc của độc giả về các triệu chứng tim mạch thường gặp hậu Covid-19, những dấu hiệu cần thăm khám, điều trị cũng như chế độ dinh dưỡng, vận động giúp cải thiện triệu chứng. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Tầm soát sớm để phòng ngừa hội chứng tim mạch hậu Covid-19
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, bệnh nhân nhiễm Covid-19 nếu sau 2 tuần vẫn còn triệu chứng thì gọi là hậu Covid-19 nhưng chỉ là cấp tính, sau 12 tuần gọi là hậu Covid-19 bán cấp tính. Nếu sau ba tháng, những triệu chứng vẫn còn thì bệnh nhân có thể bị hội chứng hậu Covid-19 mãn tính.
Khi SARS-CoV-2 tấn công vào cơ thể sẽ gây phản ứng viêm, làm tổn thương rất nhiều cơ quan như phổi, tim, não, thận, kể quả một số cơ quan miễn dịch, từ đó để lại rất nhiều di chứng. Một bệnh nhân Covid-19 có thể bị hội chứng kéo dài đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn.
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1 BVĐK Tâm Anh TP.HCM bổ sung: “Triệu chứng tim mạch thường gặp nhất ở bệnh nhân hậu Covid-19 là mệt mỏi kéo dài, khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh. Một số trường hợp có đau ngực, rối loạn giấc ngủ hoặc lo lắng quá độ, khiến bệnh nhân có cảm giác không khỏe như trước. Có hai nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do di chứng của hậu Covid gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim hoặc rối loạn nhịp tim. Nhóm nguyên nhân thứ hai là trên những bệnh nhân có bệnh lý nền về tim trước đó, chẳng hạn như thiếu máu cục bộ cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, bệnh van tim… Nếu chủ quan không đi khám để sớm điều trị, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn, nhiều trường hợp phải nhập viện, nghiêm trọng hơn là nguy cơ đột tử”.
Về thời điểm nên đi khám, BS.CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Nội tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ: “Thông thường sau khi khỏi Covid-19, nếu người bệnh thấy mạch, huyết áp ổn định kèm các biểu hiện như mệt mỏi, khó thở… ở mức độ có thể chịu đựng được thì chưa cần đi khám ngay. Nhưng nếu các triệu chứng đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, người bệnh nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặc biệt, những người vốn có bệnh nền tim mạch càng cần phải khám sớm để phòng ngừa biến chứng sau này”.
Dưới đây là phần giải đáp chi tiết những thắc mắc về hội chứng tim mạch hậu Covid-19 được khán giả gửi về trong chương trình tư vấn trực tuyến.
1. Các kiểm tra cận lâm sàng cần thực hiện khi khám tim mạch hậu Covid-19
Khi thăm khám hội chứng tim mạch hậu Covid-19, bệnh nhân cần thực hiện những cận lâm sàng nào và có cần lưu ý gì không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Thăm khám tim mạch hậu Covid-19 cũng tương tự như những trường hợp khám thông thường khác. Đầu tiên, tôi sẽ hỏi bệnh nhân bị Covid-19 ngày nào, âm tính ngày nào, ngày đến khám rơi vào tuần lễ thứ mấy kể từ khi nhiễm bệnh. Tiếp theo, tôi hỏi người bệnh có những triệu chứng gì. Sau đó, tôi khám tổng quát cho người bệnh bằng cách nghe tim, nghe phổi xem có bất thường không, sờ gan lách xem có lớn không…
Đối với các xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh cần làm xét nghiệm máu, thử CRP để xem có hiện tượng cục máu đông không. Đây là hội chứng rất đáng sợ khi mắc Covid-19. Khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể chúng ta, hệ thống miễn dịch phải hoạt động quá mức là nguyên nhân góp phần làm tổn thương mạch máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch ở một số bệnh nhân thời kỳ hậu Covid-19. Nếu cục máu đông xuất hiện ở phổi và tim thì nguy cơ tử vong rất cao. Ngoài ra, người bệnh cần làm thêm điện tâm đồ, chụp X-quang ngực, CT phổi liều thấp không cản quang, siêu âm tim…, mục đích là xem có tổn thương tim hay không.
2. Làm thế nào cải thiện triệu chứng tim mạch hậu Covid-19?
Tôi 35 tuổi, khỏi Covid-19 được hai tháng. Trước đó, tôi leo cầu thang bộ 40 tầng trong 18 phút, nhịp tim trung bình trong quá trình leo là 97. Sau hai tháng bị Covid-19, trong quá trình đeo Holter theo dõi nhịp tim 24 tiếng, tôi leo 20 tầng trong 35 phút thì nhịp tim lên 135 nên tôi lập tức dừng lại. Sau đó chỉ số SpO2 liên tục giảm, lần 1 xuống 93, lần 2 xuống 88 rồi lại lên, lần 3 xuống 82. Tôi bị tê cứng chân tay và co giật toàn thân (kéo dài khoảng 2 phút). Tôi nằm nghỉ nhưng 12 tiếng sau khi di chuyển trên ô tô, SpO2 đột ngột rơi xuống 62. Tôi rơi vào trạng thái tê cứng và co giật, rung toàn thân nghiêm trọng kéo dài 20 phút, nhịp tim lên 180 rồi giảm dần nhưng chậm. Tôi đến bệnh viện, các bác sĩ làm xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang phổi, CT phổi, CT não, siêu âm tim, điện tim, điện não, kết luận không tìm ra dấu hiệu bất thường. Bác sĩ cho tôi uống Coraxan 5mg và cho ra viện. Hiện tại tôi rất yếu, khi đi lại thì khó thở, căng tức ngực, khó chịu và kiệt sức. Xin bác sĩ tư vấn tôi nên làm gì?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Đây là bệnh án khá phức tạp. Như chúng ta đã biết, khi SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ tấn công phổi là chính và sau đó có thể tấn công tim, gây ra triệu chứng tim đập nhanh hoặc tim đập chậm. Tôi hơi thắc mắc tại sao trường hợp của bạn SpO2 xuống đến 66, không biết bạn đo có đúng không? Nhưng bạn bị lên cơn co giật chứng tỏ oxy và máu lên não thiếu, dẫn đến ngất đi và co giật. Rất tiếc là trường hợp này chưa cụ thể nên tôi chưa thể đưa ra phương pháp điều trị. Tôi chỉ có thể khuyên bạn thế này: hội chứng hậu Covid-19 có thể kéo dài đến 6 tháng, vì vậy bạn không nên gắng sức như ngày xưa nữa. Không nên leo cầu thang, phải theo dõi huyết áp và uống thuốc huyết áp, tập thở mỗi ngày, chụp CT phổi để theo dõi. Bạn cũng nên tránh uống rượu trong thời gian này, có chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch.
3. Đau nhói ngực trái hậu Covid-19 có nguy hiểm không?
Tôi nhiễm Covid-19 vào cuối tháng 2/2022. Từ giữa tháng 3/2022 đến nay, tôi hay bị nhói nhẹ ngực bên trái. Số lần nhói trong ngày không nhiều nhưng trước đây tôi chưa từng gặp tình trạng như vậy. Điều này có gì bất thường không, tôi có cần đi khám không hay cứ để từ từ sẽ hết?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Bạn mắc Covid-19 cách đây hơn một tháng, sau đó có triệu chứng nhói ngực mặc dù không nhiều. Tuy nhiên như chúng tôi đã nói, bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 dù triệu chứng nặng hay nhẹ cũng có những ảnh hưởng lên phổi ở các mức độ khác nhau. Cho nên, bạn cần thu xếp tới bệnh viện để kiểm tra. Một là để bác sĩ thăm khám và chụp phim phổi xem có bất thường sau khi khỏi Covid-19 hay không. Hai là đo điện tim hoặc siêu âm tim để loại trừ những ảnh hưởng của Covid-19 nếu có trên tim, phổi. Sau khi có kết quả, bác sĩ mới đánh giá được các triệu chứng bạn đang gặp phải có nghiêm trọng hay không.
4. Cách cải thiện các triệu chứng khó chịu hậu Covid-19?
Sau khi khỏi Covid-19 em thường bị khó thở, tim đập nhanh, tê tay chân vào ban đêm. Em nên làm gì để cải thiện tình trạng này?
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm:
Rất nhiều người có biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, tê tay chân thời hậu Covid-19. Bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, xem những triệu chứng đó ngoài SARS-CoV-2 thì còn do những tác nhân gì. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm tổng quát như xét nghiệm công thức máu để kiểm tra chức năng thận, gan; chụp X-quang phổi xem có tổn thương ở phổi không; đo điện tâm đồ nhằm phát hiện sớm tổn thương tim. Ngoài ra, bạn còn bị tê tay chân nên phải đo điện cơ để tìm nguyên nhân chính xác.
5. Tụt huyết áp sau khi khỏi Covid-19 phải làm sao?
Em chỉ bị Covid-19 nhẹ, sốt 1 ngày rồi ho khoảng 10 ngày là hết. Nhưng từ sau khi khỏi bệnh, em hay bị hạ đường huyết và tụt huyết áp. Tình trạng này sau bao lâu sẽ trở lại bình thường và em cần lưu ý gì trong thời gian này?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Tiếc là tôi không biết bạn bao nhiêu tuổi. Giả sử bạn ở độ tuổi 30, không có tiền sử tiểu đường, hoàn toàn khỏe mạnh trước khi bị Covid-19. Tụy tạng là nơi sản xuất ra những hormone ảnh hưởng đến đường máu. Khi SARS-CoV-2 tấn công tụy, nhưng khả năng tụy tiết quá nhiều insulin làm hạ đường huyết thì tôi chưa thấy. Khả năng cao là bạn bị Covid-19, 10 ngày sau vẫn còn mệt mỏi, ăn ít nên bị hạ đường huyết.
Để khắc phục, bạn nên ăn nhiều bữa và luôn mang theo kẹo bên người. Khi nào hạ đường huyết thì ngậm kẹo để kéo đường huyết lên. Hoặc bạn có thể uống một ly nước chanh đường, tôi tin chỉ vài tuần là hết.
Trường hợp hai tháng sau mà bạn vẫn gặp tình trạng này thì chắc chắn phải đến bệnh viện. Một số trường hợp sau khi khỏi Covid-19 bạn lại bị bướu insulinoma (u tụy nội tiết). Khi đó, chúng tôi sẽ phải chụp CT, đo đường huyết lúc đói để chẩn đoán. Nếu phát hiện bướu thì phải mổ.
6. Cần làm gì khi phát hiện các hội chứng tim mạch hậu Covid-19?
Mẹ em 71 tuổi, trước khi bị Covid-19 thường hồi hộp nhưng đo điện tim không phát hiện bất thường. Sau khi nhiễm Covid-19 3 tháng, mẹ mệt nhiều nên đi khám lại, phát hiện hở van động mạch chủ, hở van 3 lá kéo theo một số bệnh lý đi kèm khác. Liệu đây có phải di chứng do Covid-19 để lại không? Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có điều trị hậu Covid-19 cho người bị bệnh tim như mẹ em không? Và trường hợp mẹ em thì sau này có tiêm được vaccine Covid-19 nữa không?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Mẹ bạn bị hở van động mạch chủ, hở van 3 lá nhưng không biết ở mức độ nhẹ, nặng hay trung bình. Thông thường, Covid-19 sẽ ảnh hưởng lên màng ngoài tim, cơ tim, gây viêm cơ tim, còn ảnh hưởng đối với van tim, hở van tim thì không được đề cập. Có thể bác đã có hở van tim trước đó nhưng chưa phát hiện, lần này siêu âm tình cờ phát hiện ra.
Còn một trường hợp nữa là bác bị Covid-19 nặng phải nhập viện, có huyết khối ở tĩnh mạch hoặc trong phổi, bị thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi, có thể dẫn đến hở van 3 lá.
Trường hợp của bác nên đến bệnh viện khám để tìm nguyên nhân hở van tim, hở van động mạch chủ, hở van 3 lá. Tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi có điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, đã từng mắc hoặc không mắc Covid-19. Bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
7. Vì sao nhiễm Covid-19 nhẹ nhưng triệu chứng hậu Covid-19 lại nặng?
Em từng bị Covid-19 không triệu chứng, âm tính rất nhanh nhưng hậu Covid-19 thì triệu chứng khá nhiều. Điển hình là em thở dốc hơn khi leo cầu thang. Vì có tiền sử hen suyễn nên em thấy chuyện này bình thường, nhưng càng ngày tình trạng thở dốc kết hợp với nhịp tim đập nhanh loạn xạ càng rõ nét (trước đây không đập nhanh như vậy), hơi thở cũng theo đó ngắn hơn. Vì sao khi em mắc Covid-19 chỉ bị nhẹ mà lúc khỏi bệnh lại gặp nhiều vấn đề như vậy? Có phải em bị hội chứng hậu Covid-19 không hay trùng hợp với bệnh lý khác?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Ngay câu hỏi của bạn đã có câu trả lời rồi. Có thể các triệu chứng bạn đang gặp chẳng liên quan gì đến việc bạn nhiễm Covid-19 quá nhẹ, mà tình cờ do bệnh suyễn của bạn nặng lên, hoặc bạn lo sợ vì bệnh. Chính sự lo lắng làm tim bạn đập nhanh hơn. Tôi nghĩ bạn cần đi khám sớm. Nếu khám cho bạn, đầu tiên tôi sẽ hỏi triệu chứng, sau đó nghe phổi xem có phải hen suyễn nặng lên không; nghe tim xem tim có đập nhanh không, có những tiếng ngoại tâm thu với loạn nhịp không. Tiếp đến, tôi chỉ định bạn chụp X-quang ngực, đo điện tâm đồ, siêu âm tim, thử D-dimer để xem có vấn đề huyết khối ở trong người hay không. Kết quả thu được sẽ giúp tôi cắt nghĩa cho bạn về nguyên nhân gây ra tình trạng này.
8. Cách phòng ngừa di chứng cục máu đông hậu Covid-19?
Bố tôi 55 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cách đây nửa năm, đến giờ sức khỏe yếu hơn so với lúc chưa bị. Ông có tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 vào tháng 8/2021 và tháng 1/2022. Sau đó, ông không tiêm mũi 3 và mới nhiễm Covid-19 cách đây 3 tuần, đã âm tính. Tôi lo lắng vì sau khi hết bệnh, bố tôi yếu, hay mệt và thường xuyên phải nằm nghỉ. Tôi được biết hậu Covid-19 có thể hình thành cục máu đông dẫn đến tắc phổi. Liệu trường hợp của bố tôi có nguy cơ bị vậy hay không và làm sao để phòng ngừa?
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm:
Bác 55 tuổi, đã một lần bị nhồi máu cơ tim. Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường khi mắc Covid-19 thường nặng hơn so với người không có bệnh lý nền. Rất may mắn vì bác đã khỏi bệnh và không để lại nhiều di chứng nặng nề như những người có tiền sử nhồi máu cơ tim như bác. Tuy nhiên, hậu Covid-19 thường gây ra hiện tượng tăng đông dẫn tới huyết khối, thường gặp ở những người nằm bất động. Nếu bác chỉ nằm nghỉ chứ không bất động thì khả năng bị huyết khối tĩnh mạch rất thấp.
Bạn nên đưa bác đến bệnh viện để làm thêm xét nghiệm máu, ví dụ như thử công thức máu xem có bị rối loạn về chức năng tiểu cầu không, thử D-dimer xem có bị hiện tượng tăng đông hay không. Đồng thời, bác cũng được siêu âm tim, đo điện tâm đồ, làm siêu âm tĩnh mạch chi dưới xem có bị huyết khối tĩnh mạch chi dưới không. Ngoài ra, còn phải chụp X-quang phổi nữa. Sau khi có kết quả, chúng tôi sẽ tư vấn cho bác cụ thể hơn. Còn hiện tại, khả năng thuyên tắc phổi của bác khá thấp, bạn không nên lo lắng nhiều.
9. Có nên uống hoạt huyết phòng di chứng cục máu đông sau khi hết Covid-19?
Em đọc báo thấy hậu Covid-19 có nguy cơ bị cục máu đông gây đột quỵ, thuyên tắc phổi, tắc tĩnh mạch. Nhiều người khuyên uống hoạt huyết nên em uống từ đó tới giờ. Hiện em đã khỏi Covid-19 được 3 tháng mà người hay có vết bầm tím, thi thoảng bị khó thở, đau đầu vào ban đêm. Vậy em có nên tiếp tục uống hoạt huyết không và có cần đi khám không?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Bạn không nói rõ loại thuốc mình đang dùng, nhưng tôi đoán là thuốc chống đông, ngừa huyết khối. Hiện tại theo các khuyến cáo chính thống, người ta không chỉ định sử dụng thuốc kháng đông lâu dài sau khi đã khỏi bệnh Covid-19. Nếu không có bằng chứng của thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu trong lúc bệnh nhân bị Covid-19, hoặc không có chỉ định sử dụng thuốc kháng đông thì việc dùng thuốc chống huyết khối lâu dài là không cần thiết. Còn các thuốc hỗ trợ tuần hoàn não hay hỗ trợ chống huyết khối thì không có nghiên cứu, nhưng tôi khuyên bạn không nên dùng. Vì bạn dùng mà không biết tên, chỉ định cũng như tác dụng phụ của thuốc thì càng nguy hiểm hơn.
Về vấn đề vết bầm trên người lâu tan, bạn nên đi khám để tìm hiểu xem mình có bệnh lý về huyết học không, hay do tác dụng phụ của thuốc. Còn các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt thì có thể là do hậu Covid-19 hoặc rối loạn lo âu, mất ngủ vì trầm cảm sau Covid-19. Bạn cần đi khám tổng quát để tìm nguyên nhân.
10. Cách phát hiện sớm tổn thương tim mạch hậu Covid-19?
Em thấy nhiều người khi nhiễm Covid-19 không ho nhưng đi khám thì phổi trắng xóa. Vậy tim có tình trạng tương tự không? Em sợ hậu Covid-19 đi khám lại phát hiện tổn thương tim nặng dù không triệu chứng.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể làm tăng Cytokine trong máu, gây ra hiện tượng viêm rất nặng. Cục máu đông cũng vì thế mà hình thành. Khi cục máu đông di chuyển đến phổi sẽ gây tổn thương phổi. Đó là lý do chúng ta thấy phổi trắng xóa, khiến bệnh nhân có nguy cơ đột tử.
Trước kia, người ta nghĩ rằng Covid-19 chỉ tác động nhiều đến phổi, nhưng sau này các nghiên cứu phát hiện ra nó cũng tác động khá nhiều tới tim. SARS-CoV-2 có thể tác động ở màng ngoài tim, trên cơ tim và đáng sợ hơn nữa là tác động trên mạch vành (mạch máu nuôi tim), cũng gây đột tử.
Khi gặp một người khỏi Covid-19 sau 1-2 tuần, tôi luôn hỏi những triệu chứng liên quan đến tim xem họ có đau ngực khi gắng sức không, lên xuống cầu thang hay trên đường bằng có khó thở hay không… và chắc chắn phải cho họ đo điện tâm đồ, thực hiện siêu âm tim. Siêu âm tim giúp loại trừ viêm màng ngoài tim do tràn dịch, đo điện tâm đồ nhằm loại trừ viêm màng ngoài tim cấp. Đồng thời, nếu Covid-19 ảnh hưởng đến cơ tim, làm giảm co bóp cơ tim thì cần siêu âm để đánh giá. Ngoài ra, tôi sẽ yêu cầu thử thêm Troponin xem có bị hoại tử cơ tim không, đo NT-proBNP xem bệnh nhân có bị tổn thương gây suy tim hay không… Vì thế trong trường hợp này, chỉ dựa vào triệu chứng như bạn mô tả thì tôi không thể tư vấn chi tiết cho bạn được. Bạn nên sắp xếp thời gian đến thăm khám trực tiếp để chúng tôi có thể kiểm tra và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bạn.
11. Triệu chứng mệt, ngất xỉu hậu Covid-19 ở người từng mổ van tim có nguy hiểm không?
Mẹ tôi 69 tuổi, tiền sử mổ hẹp van tim 30 năm trước. Từ đó đến nay, sức khỏe mẹ bình thường, cho đến ba tháng trước mẹ bị Covid-19. Sau khi khỏi bệnh, mẹ có triệu chứng mệt, thở hắt ra, hay bị chóng mặt, có hôm còn ngất lúc nào không biết, khi tỉnh dậy không hiểu mình đã nằm đây từ bao giờ. Ngoài ra, mẹ còn bị rối loạn tiền đình. Liệu tình trạng của mẹ như vậy thì có cần phải tới bệnh viện hay không?
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm:
Có nhiều nguyên nhân gây ngất nhưng mẹ bạn có bệnh van tim sẵn nên phải kiểm tra xem van tim này có hoạt động tốt không, ngất có gây ra rối loạn nhịp không… Thông thường, nếu ngất do rối loạn tiền đình thì bệnh nhân sẽ có dấu hiệu báo trước như xây xẩm, chóng mặt, sau đó mới lảo đảo, té ngã chứ ít khi ngất ngay. Còn bác bị ngất đột ngột thì thường là nguyên nhân tim mạch, chẳng hạn như rối loạn nhịp hoặc bất thường trên não.
Bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện để bác sĩ trực tiếp thăm khám, siêu âm tim, đo điện tâm đồ tìm nguyên nhân ngất cho bác. Nếu kết quả điện tâm đồ bình thường, chúng tôi cũng phải theo dõi Holter 24 tiếng để xem bác có bị rối loạn nhịp không. Ngoài ra, trường hợp rối loạn nhịp bình thường, tim mạch, van tim bình thường thì cũng phải kiểm tra xem não của bác có vấn đề gì mà gây ngất hay không.
12. Cần phải làm gì khi huyết áp không ổn định hậu Covid-19 dù đã uống thuốc?
Bà nội em năm nay 60 tuổi, đang điều trị tăng huyết áp bằng thuốc Tây. Huyết áp của bà sau khi điều trị là 130/80 mmHg. Trước khi bị Covid-19, tình trạng của bà tương đối ổn định, nhưng hậu Covid huyết áp bà tăng cao hơn và hay mệt hơn dù có uống thuốc. Vậy tình trạng của bà em có nguy hiểm hay không?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Bà của bạn có tiền sử tăng huyết áp, đã điều trị ổn định nhưng sau khi mắc Covid-19 thì không ổn định nữa. Vậy bạn nên đưa bà đến bệnh viện khám sớm. Thứ nhất là để bác sĩ điều chỉnh lại thuốc, thứ hai là tìm nguyên nhân tại sao huyết áp không ổn định.
Hậu Covid-19, một số bệnh nhân bị ảnh hưởng trên tim mạch, trên thận, ví dụ như chức năng thận xấu đi, chức năng tim kém đi, hoặc bệnh nhân có thiếu máu cơ tim chẳng hạn… Tất cả những yếu tố đó đều làm cho huyết áp không ổn định. Nhiều trường hợp người bệnh Covid-19 bị rối loạn lo âu, trầm cảm sau khi khỏi bệnh, đây cũng là yếu tố khiến chỉ số huyết áp xáo trộn. Do đó tốt nhất, bạn nên đưa bà đi khám để loại trừ những nguyên nhân thực thể, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
13. Đã hết triệu chứng Covid-19 có cần tiếp tục uống thuốc?
Cả nhà tôi bị F0, ai cũng có triệu chứng giống nhau là ho, nghẹt mũi, sốt nhẹ. Tôi đã dùng kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt được 3 ngày, nay sang ngày thứ tư thì có nên dùng thuốc nữa không vì đã hết sốt nhưng còn ho nhẹ và nghẹt mũi? Riêng tôi thì có hơi khó thở nhưng chỉ số SpO2 vẫn duy trì 98. Xin bác sĩ tư vấn giúp!
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Để điều trị Covid-19, bác sĩ thường kê toa Molnupiravir. Đồng thời, nếu bệnh nhân có triệu chứng ho nhiều, nhất là ho có đờm, chúng tôi sẽ cho thêm kháng sinh phòng ngừa, uống tối thiểu 5-7 ngày. Sốt nhẹ thì không cần uống hạ sốt. Sốt trên 38 độ mới uống Paracetamol và bệnh nhân nên uống nhiều nước. Thực ra, ho là một phản ứng của cơ thể. Bạn có thể dùng thêm thuốc ho nhưng theo tôi, trường hợp ho nhẹ thì không cần. Bạn nên uống nhiều nước bù lại, súc miệng bằng các loại thuốc sát trùng hoặc nước muối, tình trạng ho sẽ giảm.
Như vậy, gia đình bạn cần theo dõi sát sao diễn tiến bệnh. Nếu sau 7 ngày, mọi người vẫn sốt và ho nhiều thì cần được bác sĩ điều trị. Có thể lúc đó phải chụp tim phổi để xem có biến chứng nặng hay không.
14. Bệnh nhân mạch vành cần lưu ý gì khi điều trị Covid-19?
Bố em 62 tuổi, cách đây 3 năm có đặt stent mạch vành, hiện sức khỏe ổn nhưng vừa phát hiện nhiễm Covid-19. Không biết người có bệnh nền tim mạch như bố em cần lưu ý gì trong quá trình điều trị Covid-19? Em lo bệnh mạch vành của bố sẽ tái phát sau đợt Covid-19 này, liệu có cách nào phòng ngừa không?
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm:
Ba bạn có bệnh mạch vành và đang mắc Covid-19. Nếu bác không khó thở, không đau tức ngực thì bạn nên đo huyết áp và nhịp tim cho bác hàng ngày xem có ổn định hay không. Bên cạnh đó, bác cần được theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên.
Về chế độ sinh hoạt, bác cần ăn uống điều độ, không uống rượu, hút thuốc lá; uống thuốc mạch vành thường xuyên. Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như thở hụt hơi, khó thở, SpO2 tụt xuống dưới 95% thì bạn nên đưa bác đến bệnh viện. Còn không thì chỉ cần theo dõi sát và chờ đến khi bác hết bệnh rồi đi khám hậu Covid-19 để phòng ngừa tổn thương tim phổi.
15. Ho kéo dài hậu Covid-19 phải làm sao?
Chị tôi năm nay 45 tuổi, đã chích 3 mũi vaccine Covid-19. Vừa rồi khi bị Covid-19, chị có đầy đủ triệu chứng nhưng ho là nhiều nhất. Chị có dùng thuốc kháng sinh được bác sĩ kê đơn nhưng vẫn không giảm ho. Nay dù chị đã hết Covid-19 một tháng rồi mà tình trạng ho không thuyên giảm. Xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp!
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Sau khi khỏi Covid-19 một tháng mà không giảm ho thì chị bạn chắc chắn phải đến bệnh viện thử máu, chụp CT phổi xem tổn thương thế nào. Đôi khi còn phải cấy đàm, cấy máu để tìm vi trùng. Cũng có trường hợp tình cờ như thế này: người bệnh đã có sẵn bệnh lao phổi hoặc các bệnh lý về phổi khác, khi bị Covid-19 cơ thể giảm sức đề kháng khiến bệnh nền bùng lên. Vì vậy, chị bạn cần đến bệnh viện kiểm tra để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng cách.
16. Vì sao có hiện tượng tăng huyết áp sau khi khỏi Covid-19?
Em 23 tuổi, hậu Covid-19 em thăm khám thì được chẩn đoán tăng huyết áp do cứ đêm là huyết áp ~140/80, kết quả xét nghiệm máu thì định lượng Cortisol là 424.55 nmol/l vào lúc 2 giờ chiều. Em được kê toa 1 viên sáng Concor 2.5 và 2 viên sáng chiều Timi Roitin, dùng được đến nay 5 ngày, huyết áp có cải thiện nhưng từ ngày thứ ba thì tim đập dưới 60 và có khó thở, chóng mặt nhẹ. Vậy em nên uống thuốc tiếp hay đến bệnh viện thăm khám lại?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Bạn 23 tuổi, phát hiện tăng huyết áp sau khi khỏi Covid-19, có thể trước đây bạn đã có tăng huyết áp rồi nhưng không phát hiện ra. Trước tiên, bạn cần được tầm soát các nguyên nhân của tăng huyết áp, có thể do bệnh lý ở thận như mô thận, mạch máu thận hoặc những bệnh lý nội tiết như u tuyến thượng thận, cường giáp hoặc một số nguyên nhân khác. Ngoài ra, bạn uống thuốc mà thấy nhịp tim chậm bất thường thì phải trở lại bác sĩ để khám, có khi phải ngưng hoặc đổi thuốc. Tóm lại, bạn nên đến bệnh viện, thứ nhất là tìm nguyên nhân tăng huyết áp, thứ hai là để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp cho bạn.
17. Nguyên nhân gây đau nhói ngực hậu Covid-19?
Tôi 50 tuổi, mới khỏi Covid-19 được hai tuần. Cách đây vài hôm, tôi có gặp một cơn đau nhói ở ngực, kéo dài tầm 15 giây, lan xuống bả vai trái. Tôi vã mồ hôi vì cơn đau bất chợt như vậy. Tôi rất lo lắng vì chưa bao giờ gặp hiện tượng này, có phải tim tôi bị ảnh hưởng hậu Covid-19 không?
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm:
Anh đau ngực rất nhiều đến mức vã mồ hôi, tôi nghĩ nguyên nhân là do vấn đề tim mạch, cụ thể là hội chứng mạch vành cấp. Anh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, đo điện tâm đồ, làm siêu âm tim xem có phải hội chứng mạch vành cấp hay không.
Thông thường ở những bệnh nhân hậu Covid-19, ngoài vấn đề viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, có một tỷ lệ nhỏ nhồi máu cơ tim. Anh đã trên 50 tuổi nên cần xét nghiệm máu để xem mình có yếu tố nguy cơ của xơ vữa mạch máu hay không? Xơ vữa mạch máu là căn nguyên gây nhồi máu cơ tim.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Trên lý thuyết, cơn đau do nhồi máu cơ tim kéo dài đến 15 phút hoặc hơn. Đa số bệnh nhân đau bên trái, vùng xương ức. Nhưng thực tế ở phụ nữ, cơn đau có thể xảy ra bên phải. Hơn nữa, nhiều trường hợp người bệnh mô tả không đúng, có khi cơn đau lâu hơn nhưng lại bảo chỉ thoáng qua. Do đó, khi thăm khám trực tiếp, bác sĩ cần hỏi bệnh sử chi tiết, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng xem đau ngực là do hậu Covid-19, bệnh mạch vành mạn hay hội chứng mạch vành cấp. Tức là có ba trường hợp có thể xảy ra và chúng ta cần tìm hiểu thật kỹ.
18. Người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý gì ở giai đoạn hậu Covid-19?
Bố em 60 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp nhẹ, vẫn dùng thuốc hàng ngày. Đợt rồi cả nhà em bị Covid-19, bố em có bệnh nền nên uống thuốc Molnupiravir. Sau khỏi Covid-19, huyết áp của bố cao hơn trước nhiều, còn lại không có triệu chứng gì. Cho em hỏi hiện tượng tăng huyết áp hậu Covid-19 có nguy hiểm không? Có khi nào chỉ số huyết áp tăng là do tác dụng phụ của thuốc kháng virus không? Bố em cần theo dõi sức khỏe như thế nào?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Huyết áp cao đương nhiên rất nguy hiểm. Nguyên nhân là huyết áp cao lâu ngày sẽ đưa đến suy tim, thiếu máu cơ tim, làm suy giảm chức năng thận, dẫn tới nhồi máu não và nhiều vấn đề khác. Vì vậy, nếu huyết áp của bác không ổn định thì nên đến bệnh viện để bác sĩ khám tìm nguyên nhân và điều chỉnh liều thuốc cho bác.
Bạn hỏi uống thuốc kháng virus có ảnh hưởng đến huyết áp hay không, thì câu trả lời là không. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như chóng mặt, ói mửa, tiêu chảy; thay đổi các tế bào máu, ví dụ như ảnh hưởng lên hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu hoặc men gan. Tuy nhiên sau khi mắc Covid-19, bệnh nhân có thể suy giảm chức năng thận, rối loạn nhịp tim, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh thực vật. Đây cũng là những yếu tố làm xáo trộn huyết áp của người bệnh. Do đó, bạn nên đưa bác đến bệnh viện để kiểm tra, tìm nguyên nhân tăng huyết áp, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
19. Chế độ vận động, tập luyện sau khi khỏi Covid-19?
Em năm nay 25 tuổi, đã khỏi Covid-19 được 3 tuần. Em có cảm giác sức khỏe chưa hồi phục như trước. Trước đây, em có thể chơi bóng suốt 1-1,5 tiếng, giờ mới chạy khoảng 15-20 phút đã không chịu nổi. Xin hỏi bác sĩ là sau khi khỏi Covid-19 bao lâu thì có thể tập luyện trở lại? Và em nên tập với cường độ như thế nào?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Khi khám cho bệnh nhân hậu Covid-29, chúng tôi luôn nhắc người bệnh nếu có tập luyện trở lại thì tập nhẹ nhàng thôi. Ví dụ khi một vận động viên khỏi Covid-19 đến khám, hỏi tôi liệu bây giờ có chơi thể thao lại được không. Lúc đó, tôi sẽ hỏi anh ấy khả năng đi bộ như thế nào, leo cầu thang có mệt không, có cảm thấy hồi hộp không? Đồng thời, tôi phải nghe phổi, nghe tim, xem kết quả chụp CT phổi. Chúng tôi có thể cần khảo sát chức năng hô hấp xem có bình thường hay không. Dù các kết quả bình thường, tôi cũng chưa khuyên bệnh nhân tập luyện trở lại như cũ. Vì thực ra, những kiểm tra cận lâm sàng đó không giúp chúng ta hiểu hết mọi chuyện. Cho nên, tôi sẽ khuyên anh ấy tập lại từ từ, tăng dần cường độ, khoảng 3-6 tháng sau mới trở lại bình thường như trước đây nếu sức khỏe cho phép.
20. Nguy cơ tắc mạch máu chi dưới hậu Covid-19 ở người lớn tuổi?
Bà em 75 tuổi, vừa hết Covid-19 được 2 tuần. Covid-19 làm sức khỏe bà yếu đi, bà thường nằm nhiều. Tuần trước bà bị phù chân, mỏi nhiều và có vết bầm. Em nghe nói người lớn tuổi có nguy cơ bị cục máu đông ở các mạch máu làm tắc tĩnh mạch, động mạch chi dưới. Xin hỏi bác sĩ có phải như vậy không? Người lớn tuổi sau khi khỏi Covid-19 thì cần lưu ý những gì?
BS.CKII Võ Ngọc Cẩm:
Tình trạng nằm nhiều là một trong những nguyên nhân gây huyết khối. Các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân hậu Covid-19 thường có hiện tượng tăng đông, tức là dễ bị huyết khối thuyên tắc ở tĩnh mạch chi dưới, thuyên tắc ở động mạch phổi. Bà bạn đã lớn tuổi, nằm nhiều, sau đó chân bị sưng thì khả năng cao là bị huyết khối ở chân. Bạn nên đưa bà đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, thực hiện siêu âm tim xem áp lực động mạch phổi có tăng không, thất phải có giãn không. Sau đó, bác sĩ sẽ đo điện tâm đồ, siêu âm tĩnh mạch chi dưới để xem có huyết khối ở tĩnh mạch chi dưới hay không. Trường hợp có huyết khối ở tĩnh mạch chi dưới thì có khả năng bà bị thuyên tắc tĩnh mạch.
21. Làm thế nào cải thiện mất ngủ hậu Covid-19?
Em năm nay 37 tuổi, bị F0 trước Tết. Khoảng một tháng nay, cứ nửa đêm là em không ngủ được vì mệt, khó thở, hụt hơi, tê tay chân, tim đánh trống và thấy ớn lạnh trong người. Em cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Các triệu chứng mất ngủ, hồi hộp, thở hụt hơi… hậu Covid-19 thường gặp ở người trẻ. Tuy nhiên, để khẳng định những triệu chứng này là do hậu Covid-19, chúng ta cần loại trừ các bệnh lý thực thể mà người bệnh có thể gặp, ví dụ như những bệnh lý tiềm ẩn trước đó mà bạn không biết, bây giờ mới xuất hiện. Do đó, bạn nên đi khám để được kiểm tra phổi, tim và làm xét nghiệm máu. Nếu tất cả các kiểm tra cận lâm sàng đều cho kết quả bình thường, khẳng định những triệu chứng này là do hậu Covid-19 thì bác sĩ sẽ tư vấn về phương pháp điều trị cũng như cách phục hồi chức năng, thay đổi lối sống để giúp cải thiện triệu chứng theo thời gian.
Được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến và quy tụ đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh là địa chỉ thăm khám tin cậy cho các bệnh nhân hậu Covid-19. Bệnh viện được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại như: hệ thống chụp CT 768 lát cắt, X-quang kỹ thuật số treo trần, máy siêu âm tim – mạch máu 4D thế hệ cao cấp, hệ thống DSA – chụp mạch vành 2 bình diện… giúp phát hiện bệnh sớm, can thiệp kịp thời để cải thiện hoàn toàn triệu chứng tim mạch hậu Covid-19.
Comments are closed.