Chuyên gia giải đáp những câu hỏi thường gặp về bệnh tim bẩm sinh
“Đối với bệnh tim bẩm sinh, quan trọng nhất là tìm ra bệnh sớm. Việc phát hiện bệnh từ trong bào thai sẽ giúp các bác sĩ chủ động xây dựng phác đồ chăm sóc, điều trị cho trẻ ngay sau sinh”, đó là khẳng định của PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM tại buổi tư vấn trực tuyến “Tiến bộ trong tầm soát & điều trị bệnh tim bẩm sinh từ bào thai đến trưởng thành”.
Mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày, người mẹ nào cũng mong muốn sinh được những đứa con khỏe mạnh, không dị tật, không bệnh lý bẩm sinh. Thế nhưng, trong số 1.000 trẻ em mới chào đời, có đến 8 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh – một trong những dị tật phổ biến nhất, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số những trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Tại buổi tư vấn trực tuyến diễn ra vào ngày 15/3/2022, các chuyên gia đến từ Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã giải đáp những thắc mắc của độc giả về phương pháp tầm soát, điều trị và theo dõi sau phẫu thuật đối với các trường hợp mắc bệnh lý tim bẩm sinh. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, theo dõi lâu dài để kiểm soát bệnh tim bẩm sinh
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, bệnh tim bẩm sinh là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh. Khoảng 10 năm trở lại đây, y khoa có thêm một khái niệm chuyên sâu, đó là “bệnh tim bẩm sinh ở người trưởng thành”, đề cập đến những người bị bệnh tim bẩm sinh đã được phẫu thuật từ nhỏ, tuy nhiên vẫn cần được chăm sóc nội ngoại khoa ở tuổi trưởng thành; hoặc người bệnh tim bẩm sinh chưa được phẫu thuật, cần khảo sát về chỉ định điều trị nội ngoại khoa và bệnh tim bẩm sinh không thể phẫu thuật cần chăm sóc nội khoa suốt đời.
Để chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến – Trưởng khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội, quan trọng nhất là phải siêu âm tim để đánh giá chính xác về bất thường cấu trúc tim, bất thường dòng chảy… Trong những trường hợp khó hơn, có thể bác sĩ phải làm thêm cộng hưởng từ tim, chụp cắt lớp vi tính, thông tim, chụp buồng tim để có chẩn đoán rõ ràng.
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh, Phó khoa Phòng khám, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM bổ sung: “Tại BVĐK Tâm Anh, sự phối hợp liên chuyên khoa Sản – Tim mạch đã giúp phát hiện và theo dõi những trường hợp mắc dị tật tim thai ở những tuần thai rất nhỏ. Bên cạnh việc tiến hành các kiểm tra cận lâm sàng, chúng tôi sẽ khai thác bệnh sử của thai phụ. Với những mẹ bầu có yếu tố nguy cơ cao, ví dụ như ba hay mẹ có bệnh lý tim bẩm sinh; mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hay bị đái tháo đường trước đó; mắc một số nhóm bệnh lý và đặc biệt là nhóm mẹ bầu có thói quen gây hại như hút thuốc lá, uống rượu bia, có tiền căn mắc bệnh lý nội khoa… thì nguy cơ em bé bị tim bẩm sinh sẽ cao hơn rất nhiều so với mẹ bầu không có yếu tố nguy cơ”.
BS.CKI Vũ Năng Phúc – Trưởng khoa Tim bẩm sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Trong trường hợp em bé chưa được phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh khi còn trong bào thai thì sau khi chào đời, bé sẽ được tầm soát bệnh bằng một bước rất đơn giản, đó là đo SpO2 ngay tại phòng sinh và sau sinh. Nếu xuất hiện nghi ngờ bao gồm khám có âm thổi, hoặc tím, hoặc SpO2 bất thường thì bé sẽ được gửi đến siêu âm tim”.
TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Bác sĩ khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội đúc kết: “Hầu hết trẻ sau khi được phẫu thuật tim đều phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, cha mẹ không nên chủ quan, tất cả trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh cần được chăm sóc suốt đời. Điều này sẽ giúp con duy trì một trái tim thật sự khỏe mạnh, tham gia sinh hoạt, học tập và làm việc một cách bình thường, có cuộc sống hạnh phúc”.
Dưới đây là phần giải đáp chi tiết của các chuyên gia về những thắc mắc về bệnh tim bẩm sinh được khán giả gửi về trong chương trình tư vấn trực tuyến.
1. Bé 12 tuổi khó thở, đau tức ngực có phải mắc bệnh tim bẩm sinh?
Con gái tôi 12 tuổi. Thời gian gần đây cháu có biểu hiện đau tức ngực, khó thở. Cháu cao 1,45m, nặng 42kg, ăn uống và ngủ tốt. Liệu cháu có bị vấn đề gì về tim mạch hay không?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Đau tức ngực, khó thở là những triệu chứng có thể liên quan đến tim mạch. Tất nhiên, có những bệnh lý về phổi cũng gây nên các triệu chứng này, nhưng nếu bé tức ngực, khó thở khi hoạt động, chạy nhảy thì chúng ta có thể nghĩ đến bệnh lý tim mạch nhiều hơn. Bé có thể bị bệnh tim bẩm sinh hoặc tim mắc phải, nhưng bé 12 tuổi thì khả năng tim bẩm sinh cao hơn. Có những thể tim bẩm sinh không tím như thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch… Các bệnh tim mắc phải là bệnh thấp tim, nhưng bé không có tiền sử về khớp nên ít nghĩ đến bệnh này. Tốt nhất, bạn nên cho bé đi khám để làm các phương pháp thăm dò như siêu âm tim, điện tim để phát hiện chính xác bé có bệnh lý về tim hay không.
2. Triệu chứng đặc trưng của bệnh tim bẩm sinh?
Các triệu chứng, dấu hiệu đặc trưng nào gợi nhắc một người có khả năng bị bệnh tim mạch?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Tim bẩm sinh là bệnh lý xảy ra trong bào thai do khuyết tật trong quá trình hình thành cấu trúc tim ở thai nhi. Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp là thông liên nhĩ (có lỗ thông giữa buồng tâm nhĩ trái và buồng tâm nhĩ phải), thông liên thất (có lỗ thông giữa buồng tâm thất trái và buồng tâm thất phải), còn ống động mạch (ống động mạch giữa động mạch chủ và động mạch phổi không đóng kín). Trong những trường hợp này, do có lỗ thông từ bên tim phải sang tim trái làm cho máu lên trên phổi nhiều hơn. Thường trẻ không bị tím nhưng hay khó thở, lúc còn bé thì hay bị viêm phổi, còn trẻ sơ sinh thì không bú được liên tục mà phải ngừng lại thở.
Trường hợp khác là do có lỗ thông rất lớn khiến máu giữa tim phải và tim trái hòa trộn lẫn nhau, làm cho máu bình thường đi nuôi cơ thể là máu đỏ thì nó hòa trộn thành máu đen. Ví dụ như trong bệnh lý Tứ chứng Fallot, máu đi nuôi cơ thể là máu có pha trộn giữa máu đỏ và máu đen nên khiến trẻ hay bị tím, đặc biệt khi trẻ hoạt động thì tím nhiều hơn. Tuy nhiên, khi trẻ mới sinh ra, triệu chứng tím không rõ lắm. Phải tầm soát sớm bệnh tim bẩm sinh bằng cách theo dõi oxy trong máu để xác định có sự pha trộn máu giữa tim phải và tim trái hay không. Ngoài ra, quan trọng nhất là phải siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ… để đánh giá chính xác về bất thường cấu trúc tim.
3. Bóng tim to là gì, có nguy hiểm không?
Bóng tim to là gì? Bệnh này có phổ biến không, có nguy hiểm hay không?
BS.CKI Vũ Năng Phúc:
Bóng tim to là dấu hiệu trên phim X-quang, đây là hệ quả của rất nhiều bệnh lý khác nhau như tim bẩm sinh, kể cả bệnh tim đang đi đến giai đoạn suy tim. Muốn biết chính xác nguyên nhân dẫn đến bóng tim to, người bệnh cần được thăm khám bao gồm siêu âm tim, đo điện tim, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp.
Phần lớn những bệnh lý về bóng tim to thuộc nhóm bệnh lý luồng thông trái phải trong mặt bệnh tim bẩm sinh. Nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác, kịp thời và điều trị đúng hướng thì có thể trị được. Dĩ nhiên trong một số trường hợp, cần điều trị suy tim hỗ trợ trước khi phẫu thuật tim thì mới có kết quả tốt.
4. Chăm sóc bé 6 tháng tuổi sau phẫu thuật hở van tim?
Bé nhà em gần 6 tháng mà chỉ nặng 5kg. Trước đó bé phẫu thuật hở van 2 lá, nằm hồi sức 2 tháng. Giờ con ăn kém, sữa mẹ cũng ít mà con còn bị dị ứng đạm sữa bò. Mong bác sĩ tư vấn cách chăm sóc cho bé. Liệu sau này bé có thể phát triển bình thường hay không?
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh:
Đây là một vấn đề tim bẩm sinh rất khó khăn. Em bé từ nhỏ đã có bệnh về van tim thì thông thường sẽ có bất thường về cấu trúc van, và chính bất thường này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Cụ thể, em bé phải mổ sửa van rất sớm, và dù được sửa van rồi nhưng kết quả và tiên lượng về lâu dài cũng là vấn đề hết sức quan ngại.
Ngoài ra, bé còn thêm tình trạng dị ứng đạm sữa bò, nhưng tình trạng này sẽ giảm dần khi bé lớn lên. Tuy nhiên, bệnh tim bẩm sinh của bé thì cần theo dõi sát vì bé nằm hồi sức 2 tháng. Nguyên nhân có thể là do sau khi mổ, tình trạng suy tim của bé kéo dài, kéo theo những vấn đề mà phải thăm khám trực tiếp thì chúng tôi mới có thể tư vấn một cách đầy đủ và chính xác. Với trường hợp này, mong gia đình đưa bé đi thăm khám sớm để có được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, thường xuyên và đúng lúc.
5. Hở van 3 lá nhẹ có phải mổ không?
Con em 12 tuổi, hôm rồi con siêu âm tim thì phát hiện hở van 3 lá nhẹ. Liệu sau này bé có phải mổ không?
TS.BS Nguyễn Thị Duyên:
Con bạn năm nay 12 tuổi, có lẽ tình cờ bé đi khám một bệnh lý gì đó hay khám sức khỏe định kỳ và siêu âm thì mới phát hiện hở van 3 lá nhẹ. Thực tế, bệnh hở van 3 lá nhẹ không đáng lo ngại lắm. Thứ nhất, ở độ tuổi của bé, mức độ hở nhẹ không gây ảnh hưởng nhiều, thậm chí không hề ảnh hưởng đến hoạt động của vùng tim, không gây ra triệu chứng ảnh hưởng đến sự phát triển của tim cũng như sự phát triển thể chất của bé. Tuy nhiên, có một số trường hợp dễ bị bỏ sót các bệnh lý khác đi kèm với hở van 3 lá, nhất là những thể tim bẩm sinh kín đáo. Ví dụ như có trường hợp thông liên nhĩ màng nhỏ, lỗ bầu dục (PFO) mở hoặc một số tổn thương khác mà mình chưa quan sát được hết. Do đó, bạn nên đưa con đến những trung tâm, bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch chuyên sâu để xác định bé có thật sự chỉ hở van 3 lá nhẹ thôi hay còn đi kèm những tổn thương phức tạp khác. Từ đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch và hướng điều trị chăm sóc lâu dài cho bé.
6. Hở van tim là gì, trong trường hợp nào sẽ nguy hiểm?
Hở van tim trong trường hợp nào sẽ nguy hiểm? Vì sao có khái niệm hở van tim?
TS.BS Nguyễn Thị Duyên:
Tim có 4 buồng, phân ra bên trái và phải. Trong buồng tim bên trái có hệ thống van 2 lá để ngăn giữa buồng thất trái và nhĩ trái. Tương tự, ở buồng tim bên phải có hệ thống van 3 lá để ngăn cách giữa buồng nhĩ phải và thất phải. Máu từ thất phải lên động mạch phổi sẽ đi qua van động mạch phổi và máu từ thất trái đi nuôi cơ thể qua van động mạch chủ. Như vậy, trong hệ thống tim sẽ có 4 van tim, chúng đóng mở một cách nhịp nhàng sao cho dòng máu chảy theo hướng một chiều để cung cấp oxy đi nuôi cơ thể. Tình trạng hở van tim xảy ra khi các dòng máu chảy qua van tim rồi nhưng do van đóng không kín, nó bị dội lại ở buồng vừa tống máu lên.
Hở van tim được chia thành các mức độ hở khác nhau từ nhẹ, vừa đến nặng. Thông thường, hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch phổi ở mức độ nhẹ sẽ không trầm trọng lắm. Điều chúng ta cần quan tâm là van hở ở mức độ vừa trở lên. Những trường hợp này nên đi khám ở các Trung tâm Tim mạch chuyên sâu để bác sĩ tìm nguyên nhân tại sao hở, từ đó có kế hoạch theo dõi và điều trị về sau.
Còn một vấn đề chúng ta cần lưu ý nữa, đó chính là đề phòng những biến chứng do hở van tim gây ra, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (nhiễm trùng ở trong buồng tim). Đây là yếu tố thuận lợi dẫn đến hở van tim. Đặc biệt, những trẻ không có tình trạng vệ sinh tốt hoặc trẻ bị viêm họng, ho… đi kèm theo hở van tim thì có nguy cơ cao dẫn tới tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Ngoài ra, còn có những biến chứng khác như rối loạn nhịp, van hở nặng hơn diễn tiến đến suy tim…
7. Thông liên thất phần quanh màng ở trẻ sơ sinh
Con em vừa sinh được 6 ngày tuổi thì được kết luận thông liên thất phần quanh màng đường kính 2mm, shunt T-P chức năng tâm thu thất trái bảo tồn. Bác sĩ hẹn em đợi 1 tháng sau đi khám lại nhưng em lo quá không chờ được. Liệu bệnh này có chữa khỏi hẳn được không? Và bây giờ em nên làm gì, vì bé đã có dấu hiệu khò khè với thở gấp rồi ạ?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Lỗ thông liên thất 2mm là rất nhỏ, không có gì nguy hiểm. Thường khi khám cho một em bé tim bẩm sinh, tôi luôn lấy tay sờ vào ngực bé, nếu thấy rung trên bàn tay thì tôi rất yên tâm, tức là tim không nặng. Trường hợp lấy ống nghe để nghe mà thấy một âm thổi, thường là âm thổi tâm thu, cường độ 4/6 thì lúc đó cũng yên tâm vì là bệnh tim bẩm sinh không nặng.
Bạn có mô tả thêm một yếu tố là bé khò khè. Bệnh tim bẩm sinh có shunt trái phải, nếu máu lên phổi nhiều quá thì bé dễ bị nhiễm trùng phổi, suy tim. Do đó, cần tìm nguyên nhân khiến bé khò khè vì chưa chắc là do suy tim. Bạn nên đưa bé đến bệnh viện sớm. Chúng tôi sẽ khám, xét nghiệm xem bé có sốt không, nghe phổi có ran hay không, nghe tiếng âm thổi ở tim như thế nào? Sau đó sẽ tiến hành siêu âm tim, nếu đúng thông liên thất chỉ có 2mm thì chúng tôi sẽ nghĩ khò khè là do nguyên nhân khác, không phải do suy tim. Từ đó mới có hướng điều trị tích cực cho bé.
8. Phương pháp giúp tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh từ trong bào thai?
Tôi được biết bác sĩ Thùy Linh và những bác sĩ sản khoa đã cứu sống ngoạn mục nhiều em bé bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Hiện tại người nhà tôi mang thai ở tuần 16, nếu đi khám thai bình thường thì có phát hiện được bệnh lý tim bẩm sinh không hay phải đề nghị bác sĩ sản khoa khảo sát thêm tình trạng tim mạch của em bé? Cần đề nghị bác sĩ sản khoa như thế nào để được tầm soát bệnh lý tim bẩm sinh cho bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ?
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh
Hiện nay, các mẹ bầu đi khám thai rất quan ngại về vấn đề tim của con. Các đồng nghiệp của chúng tôi bên sản khoa khi thăm khám thường có chỉ định siêu âm sản phụ khoa thông thường, và ở tuần thai 20-24 thì có siêu âm 4D để đánh giá. Lúc đó, bác sĩ sẽ khai thác tất cả thông tin đối với nhóm mẹ bầu có yếu tố nguy cơ cao, ví dụ như ba hay mẹ có bệnh lý tim bẩm sinh; mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hay bị đái tháo đường trước đó; một số nhóm bệnh lý khác và đặc biệt là nhóm mẹ bầu có thói quen gây hại như hút thuốc lá, uống rượu bia, có tiền căn mắc bệnh lý nội khoa… Những trường hợp đó em bé có nguy cơ bị tim bẩm sinh cao hơn rất nhiều so với mẹ bầu không có yếu tố nguy cơ.
Với trường hợp này, 16 tuần là thời điểm để tầm soát cấu trúc hình thái của em bé, đặc biệt cũng có khảo sát về tim đối với những em bé có nghi ngờ khi siêu âm thông thường. Đây là khảo sát chuyên sâu nhằm khảo sát tim của em bé, giúp phát hiện hết các bệnh lý tim bẩm sinh. Dẫu vậy, khả năng quan sát ở bên trong bào thai chỉ được khoảng 80-90%, vì tim em bé lúc này còn phụ thuộc vào tim của mẹ và bé lớn lên từng ngày.
Khi làm siêu âm tim thai, nếu con rơi vào trường hợp tim bẩm sinh nặng hay phức tạp, chúng tôi sẽ có kế hoạch đầy đủ để chuẩn bị cho em bé ra đời, giống như những trường hợp báo chí đã đưa tin. Với những bé bị tim bẩm sinh nhẹ, bé vẫn chào đời theo cách bình thường và chúng tôi sẽ có kế hoạch theo dõi sau đó. Còn với những em bé hầu như không có vấn đề gì bất thường trong siêu âm tim thai, phát triển bình thường, chúng tôi vẫn khuyên sau khi bé chào đời, bố mẹ nên làm siêu âm tim cho bé.
9. Phương pháp siêu âm tim thai tại BVĐK Tâm Anh? Nên siêu âm ở tuần thai nào?
Vợ tôi đang theo dõi thai kỳ ở bệnh viện khác thì có thể đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để siêu âm tim thai nhi được không? Nên siêu âm ở tuần thai nào?
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh:
Tôi nghĩ khi chẩn đoán bệnh, máy móc rất quan trọng nhưng con người cũng quan trọng không kém. Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi có các bác sĩ sản phụ khoa rất giỏi. Ở những tuần thai rất nhỏ, các đồng nghiệp của chúng tôi đã phát hiện ra những dị tật về tim và phối hợp với nhóm Tim bẩm sinh chúng tôi, từ đó chúng tôi sẽ siêu âm tim thai và đánh giá. Hầu như trong các ca đó, 100% là có bất thường.
Với câu hỏi vợ bạn đang khám thai ở nơi khác nhưng đến BVĐK Tâm Anh để siêu âm tim thai chúng tôi rất hoan nghênh. Đây là một phương pháp vô hại với trẻ. Khi siêu âm tim thai, chúng tôi sẽ đánh giá được khá đầy đủ và chính xác cấu trúc tim của em bé, từ đó có tư vấn cho gia đình được yên tâm.
10. Những khó khăn khi siêu âm tim cho trẻ sơ sinh
Nếu thai nhi chưa được phát hiện bệnh tim bẩm sinh thì sau khi chào đời bao lâu nên thực hiện siêu âm tim? Siêu âm tim cho trẻ sơ sinh có gặp khó khăn gì không, liệu có sự nhầm lẫn hay sẽ phát hiện chính xác bệnh tim bẩm sinh nếu không may mắc phải?
BS.CKI Vũ Năng Phúc:
Các bé khi chào đời đều được tầm soát bệnh tim bẩm sinh bằng một bước rất đơn giản, đó là đo SpO2 ngay tại phòng sinh và sau sinh. Chỉ bằng động thái này, mình đã có thể loại trừ hết các trường hợp bệnh lý tim bẩm sinh nặng. Sau đó là những trường hợp nghi ngờ bao gồm khám có âm thổi, hoặc tím, hoặc SpO2 bất thường, tất cả những trường hợp này sẽ được gửi đến siêu âm tim.
Điều khó khăn nhất khi siêu âm tim ở các bé sơ sinh là các cháu rất nhỏ, khoảng gang sườn rất hẹp nên cần đầu dò nhỏ, lách giữa những gang sườn đó thì mới thấy được hình ảnh kích thước tim. Bù lại, siêu âm tim bẩm sinh có thể phát hiện nhiều bệnh lý tim bẩm sinh, hầu như không bỏ sót bất cứ bệnh nào ở giai đoạn sơ sinh.
11. Hở van 3 lá nặng trên nền Tứ chứng Fallot đã phẫu thuật, điều trị ra sao?
Lúc nhỏ em bị Tứ chứng Fallot, đã phẫu thuật năm 4 tuổi. Năm nay em 28 tuổi, đã kết hôn và có một bé trai. Hôm em mổ bắt con thì bác sĩ bảo tim em trở nặng, kết quả khám là hở van 3 lá nặng, hở van động mạch chủ nặng, lớn nhẹ thất phải, loạn động vách liên thất. Nay em sinh được 18 ngày, stress nặng rất khó ngủ. Không biết bệnh tình của em có điều trị được không, và bằng phương pháp nào?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến
Bệnh tim bẩm sinh dù đã được phẫu thuật thì cũng là một bệnh mãn tính, tức là sẽ đi theo chúng ta cả đời, do vậy mới có bệnh tim bẩm sinh ở người lớn. Bạn đã được phẫu thuật, nhưng không phải phẫu thuật xong là mọi thứ trở lại bình thường. Chúng tôi không biết bạn đã làm phẫu thuật gì, chỉ là phẫu thuật sửa tạm thời hay sửa toàn bộ. Trong trường hợp này, có thể đã lâu bạn không đi tái khám nên mới có diễn biến hở van tim, hở cả van 3 lá, van động mạch chủ và thất trái loạn động, tức là trái tim của bạn hoạt động không được tốt và đã có suy tim.
Trước mắt, bạn có thể điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ cân nhắc xem sau khi sửa xong trái tim, bạn còn những vấn đề gì nữa cần dùng thuốc hay phẫu thuật chỉnh sửa thêm hay không. Tôi nghĩ bạn nên đi khám ngay lập tức. Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng, làm các siêu âm tim, các kiểm tra khác như đo điện tim, X-quang tim phổi để đánh giá kỹ các tổn phương hiện có, từ đó có hướng điều trị trước mắt và lâu dài cho bạn.
12. Thuốc tim mạch có ảnh hưởng đến sữa mẹ?
Việc sử dụng thuốc điều trị tim mạch có ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ ở các bà mẹ đang nuôi con nhỏ hay không?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Người ta thấy rằng phần lớn các loại thuốc tim mạch đều đi vào sữa mẹ, tuy nhiên đa số đều có nồng độ thấp. Khi bạn đi khám, các bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định liều lượng thuốc phù hợp, cân nhắc những loại thuốc giúp bạn vừa điều trị bệnh, vừa có thể cho con bú.
13. Thông liên nhĩ đã bít dù có thể mang thai không?
Chị gái em 28 tuổi, bị thông liên nhĩ đã bít dù cách đây 3 năm. Liệu chị ấy có thể mang thai không? Cần lưu ý gì đặc biệt và theo dõi bệnh như thế nào?
TS.BS Nguyễn Thị Duyên:
Bệnh thông liên nhĩ của chị bạn đã tồn tại từ trong bào thai và sau sinh, đến năm 28 tuổi mới phát hiện. Rất may mắn là cách đây 3 năm, chị bạn đã được bít lỗ thông. Song thông liên nhĩ ở độ tuổi này là bệnh tim bẩm sinh ở người lớn, ít nhiều có ảnh hưởng đến bên trong buồng tim, tức là có thay đổi cấu trúc tim, buồng tim có thể bị giãn ra, van tim bị hở… Sau khi điều trị bít lỗ thông thì những ảnh hưởng của lỗ thông đã được cải thiện, nhưng đã phẫu thuật không có nghĩa là hoàn toàn khỏi bệnh, tức là trái tim của người bệnh không hoàn toàn giống như người bình thường. Chính vì thế khi mang thai, chị gái bạn rất cần sự tư vấn không chỉ của bác sĩ sản khoa mà cả các bác sĩ tim mạch. Cụ thể, chị bạn cần biết tình trạng hiện tại của mình như thế nào, mặc dù thông liên nhĩ đã bít rồi nhưng những ảnh hưởng của nó có còn không, ở mức độ nào, có cần can thiệp điều trị trước khi có kế hoạch mang thai hay không…
Bên cạnh đó, phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh cần lưu ý về những việc cần chuẩn bị trước khi mang thai. Ví dụ như phải tiêm vaccine đầy đủ, tránh một số bệnh truyền nhiễm, chú ý một số loại thuốc đang dùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi… Đặc biệt trong thai kỳ, ngoài việc khám và theo dõi với bác sĩ sản khoa, cần có lịch hẹn theo dõi với bác sĩ tim mạch ở những thời điểm nhất định.
Ngoài ra, dù người mẹ đã chữa khỏi bệnh tim bẩm sinh rồi mới mang thai thì em bé cũng có nguy cơ bị bệnh do di truyền. Khoảng 2% trường hợp mẹ bị tim bẩm sinh, nhất là thông liên nhĩ, thì con cũng bị bệnh lý này. Bản thân tôi đã gặp một trường hợp mẹ bị tim bẩm sinh, cả hai người con sinh ra đều bị thông liên nhĩ. Như vậy, bạn cũng cần để ý xem liệu em bé có gặp vấn đề tim bẩm sinh như mẹ bé hay không. Muốn vậy, ngoài việc thăm khám, chị bạn cần được sàng lọc kỹ lưỡng bởi bác sĩ sản khoa và tim mạch.
14. Bé sơ sinh bị bất thường tim và phổi, can thiệp thế nào?
Bé nhà em được 23 ngày tuổi bị vàng da, nhập viện thì phát hiện bị tim và phổi. Tim bé bị bất tương hợp đôi, vấp, bất thường mạch vành, bác sĩ siêu âm giải thích 2 đường máu bị sai ở giữa nhưng đi ra thì đúng nên bình thường không can thiệp, khi lớn suy tim sẽ ghép tim. Bác sĩ cho bé nằm chích viêm phổi 10 ngày, sau đó chuyển tái khám ở Viện Tim thì kết quả bất tương hợp đôi 2 lần và thông liên thất, nhưng bác sĩ nói phẫu thuật khó gấp 5 lần bé khác, không mổ thì có thể sống tới 40 tuổi, mổ sẽ tử vong ngay và chỉ hẹn tái khám không thuốc. Nay bé được gần 2 tháng, mỗi lần bú bé mệt và thở rất nhanh, đôi lúc đang nằm bé lại thở nhanh rất mệt. Xin hỏi bác sĩ nếu cứ để như vậy không can thiệp gì thì bé có phát triển bình thường được không? Bé cũng không thể uống thuốc thì có bị nặng hơn không? Nếu phẫu thuật thì có cơ hội cho bé không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Trường hợp con của chị khá phức tạp. Bất tương hợp đôi là bệnh tim bẩm sinh đặc biệt. Máu từ nhĩ trái đi qua thất phải, sau đó máu từ thất phải đi qua động mạch chủ và ngược lại máu từ nhĩ phải đi qua thất trái, máu từ thất trái đi qua động mạch phổi. Cho đến nay, bệnh bất tương hợp đơn hay hoán vị đại động mạch có thể mổ và sửa với những bác sĩ có kinh nghiệm, nhưng bất tương hợp đôi lại phức tạp hơn nhiều.
Con chị vừa có bất tương hợp đôi vừa có thông liên thất, cháu lại khó thở khi bú và bú không được nhiều thì tôi nghĩ có suy tim. Chị cần đưa bé đến thăm khám ở nơi có chuyên khoa Tim mạch, sau đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị chuyên sâu. Có những trường hợp không làm được gì hơn nhưng cũng phải đóng thông liên thất để giảm suy tim và sau đó tiếp tục điều trị, còn việc mổ thì tôi nghĩ rất phức tạp.
Chị có thể đưa bé đến Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp cho cháu.
15. Cách phòng tránh nguy cơ đột tử do hội chứng Brugada
Tôi 36 tuổi, mới đi khám và được bác sĩ cho biết bị hội chứng Brugada. Theo tôi tìm hiểu, Brugada là một bệnh rối loạn nhịp bẩm sinh có thể gây đột tử. Vậy tôi cần làm gì để tránh nguy cơ đó?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Đúng như bạn nói, Brugada là một hội chứng trên điện tâm đồ, gây ra những rối loạn nhịp và nguy hiểm đến tính mạng. Trong những trường hợp làm điện tâm đồ nghi bị hội chứng Brugada, bác sĩ sẽ phải làm thêm một số thăm dò để xem bạn có nguy cơ bị rối loạn nhịp hay không, chẳng hạn như test gắng sức (để kiểm tra có bị rối loạn nhịp không), đeo máy Holter điện tâm đồ 24h (để theo dõi có rối loạn nhịp không). Hoặc, bác sĩ có thể thực hiện những thăm dò như điện sinh lý để kích thích xem có gây ra rối loạn nhịp không. Nếu những thăm dò này không có những rối loạn nhịp thì bạn có thể yên tâm nguy cơ là thấp. Bác sĩ sẽ tư vấn để bạn tránh một số loại thuốc làm gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp.
Ngược lại, nếu trong quá trình thăm dò mà bác sĩ thấy bạn có những rối loạn nhịp nguy hiểm như nhịp nhanh thất, bác sĩ sẽ chỉ định đặt máy tạo nhịp phá rung. Mục đích là nếu chẳng may bạn bị rối loạn nhịp thì máy sẽ phá những cơn nhịp nhanh nguy hiểm để không ảnh hưởng đến tính mạng. Thông thường trong những lần test khi thăm khám, tiền sử của bạn cũng rất quan trọng. Không biết trước đây bạn có từng bị ngất hay trong gia đình có người bị đột tử hay không. Kể cả khi chúng tôi làm thăm dò không thấy nhưng bạn đã từng bị ngất hoặc trong gia đình có người bị đột tử thì cũng có chỉ định cấy máy tạo nhịp. Vì vậy, bạn nên đến những cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để bác sĩ làm thăm khám cho bạn, xác định nguy cơ rối loạn nhịp và có phác đồ điều trị đúng đắn.
16. Trẻ bị tim bẩm sinh thân chung động mạch tuýp 2 có nhất thiết phải phẫu thuật?
Con em bị tim bẩm sinh thân chung động mạch tuýp 2. Con mổ lúc 3,5 tháng, nay đã 5 tuổi. Lâu nay định kỳ 6 tháng cháu đi khám 1 lần. Tháng 12/2021 cháu đi khám định kỳ, bác sĩ hẹn 6 tháng sau khám lại và nói có khả năng cháu phải mổ để thay van. Vậy đối với trẻ bị tim bẩm sinh thân chung động mạch tuýp 2, có cách nào không phải mổ mà vẫn ổn định không? Và từ nay đến khi trưởng thành cháu phải mổ bao nhiêu lần nữa? Hiện nay cháu ăn, chơi, ngủ bình thường.
BS.CKI Vũ Năng Phúc:
Thân chung động mạch tuýp 2 là một bệnh lý tim bẩm sinh nặng, phức tạp, cần can thiệp sớm trong giai đoạn sau sinh. Tim trái và tim phải đi ra bằng một ống duy nhất, gọi là thân chung. Bé nhà bạn bị tình trạng động mạch phổi xuất phát từ thân chung nên từ lúc 3 tháng rưỡi đã được phẫu thuật. Chính vì nhánh động mạch phổi đó nằm ở trên cao và cách xa vị trí của tim nên bác sĩ phẫu thuật phải sử dụng một ống ghép có van tim để nối từ buồng thất lên trên, biến nó thành van động mạch phổi.
Kích thước của trái tim em bé bình thường bằng 1 nắm tay của bé, và nắm tay của bé lúc 3,5 tháng và lúc 5 tuổi hoàn toàn khác nhau, kích thước có sự khác biệt. Trong giai đoạn 3,5 tháng, chúng ta chỉ có thể sử dụng một ống nối kích thước nhỏ nhất, khoảng 15mm, vậy đến khi bé 5 tuổi thì ống đó sẽ trở nên nhỏ so với kích thước quả tim của bé. Khi đó, chúng ta cần thay một ống ghép có van khác lớn hơn.
Với sự tiến bộ của y học, có những biện pháp phẫu thuật ít xâm lấn như thay van động mạch phổi qua thông tim. Đây là một trong những thành tựu nổi bật về vấn đề thông tim can thiệp để thay van qua da. Hy vọng rằng khi bé lớn lên, nếu van ghép lần 2 bị thoái triển thì có thể thực hiện phương pháp thay van qua da ít xâm lấn, nhẹ nhàng và ít rủi ro hơn.
17. Bé 3 tuổi bị rối loạn nhịp tim, khi nào cần can thiệp?
Bé nhà em năm nay 3 tuổi, bị rối loạn nhịp tim, tim nhanh nhĩ, hiện đang uống thuốc. Liệu bé bao nhiêu tuổi thì can thiệp là tốt nhất, và nếu can thiệp thì bệnh của bé có hết hẳn không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh
Với bé 3 tuổi bị tim nhanh nhĩ thì bác sĩ không chỉ điều trị mà cần tìm nguyên nhân vì sao bé loạn nhịp tim. Tim nhanh nhĩ có thể xuất phát từ một bệnh tim bẩm sinh nào đó. Trường hợp này bé sẽ được dùng thuốc tạm thời để giảm bớt cơn loạn nhịp, sau đó phải điều trị đúng gốc bệnh tim bẩm sinh thì mới cải thiện triệt để. Bạn nên đưa bé đến một trung tâm vừa có điều trị tim bẩm sinh, vừa có đơn vị loạn nhịp tim phối hợp để chữa trị hiệu quả cho bé.
18. Bé 7 tuổi đã phẫu thuật tim có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19?
Con em bị thông sàn nhĩ thất toàn bộ đã mổ, giờ còn hở van 2 lá vừa. Vậy bé có thể tiêm vaccine Covid-19 được không, và tiêm ở đâu? Bé 7 tuổi, ăn uống và sinh hoạt bình thường, chiều cao ở mức trung bình.
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh:
Bệnh lý thông sàn nhĩ thất còn gọi là bệnh lý kênh nhĩ thất. Bé nhà bạn bị kênh nhĩ thất toàn phần đã được phẫu thuật. Nếu tim bình thường có 4 van thì với bệnh lý này, van 2 lá và van 3 lá gần như hòa làm một. Chính vì chỉ có 1 van nhĩ thất và bộ máy van hòa lẫn trong bệnh lý kênh nhĩ thất toàn phần nên việc hở van sau phẫu thuật rất thường xảy ra. Khi phẫu thuật viên sửa chữa thì phải sửa van, việc này rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ và trình độ phẫu thuật viên phải rất cao. Như trường hợp của bé thì sau khi mổ, tình trạng hở van còn 2.5, là mức độ hở trung bình. Nếu được, phải thăm khám trực tiếp để đánh giá dòng hở van.
Như chúng ta đã biết, sắp tới sẽ triển khai chích ngừa vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tôi nhận được nhiều câu hỏi từ các phụ huynh có con bị tim bẩm sinh đã mổ là có thể tiêm vaccine không và tôi khuyên nên tiêm. Một em bé bị tim bẩm sinh mắc Covid-19 sẽ là yếu tố nặng hơn so với em bé khỏe mạnh. Riêng những trường hợp bé mắc tim bẩm sinh nặng trong giai đoạn nguy cấp thì không nên tiêm, còn nếu tình trạng ổn định thì nên tiêm. Tốt nhất, bạn nên đưa bé đến tiêm ở các bệnh viện vì ở đó có sự theo dõi chặt chẽ, kiểm tra sức khỏe tim mạch của bé trước khi tiêm.
19. Người bị bệnh lý tim mạch có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19?
Những người đang mắc bệnh tim có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay không? Người bệnh tim nếu mắc thêm Covid-19 thì có nguy hiểm gì không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh
Khi nhiễm Covid-19, đầu tiên nó sẽ gây tổn thương phổi, thứ hai là tim, thứ ba có thể là thận, thứ tư là não, tiếp đến là nhiều cơ quan khác. Nếu bệnh nhân bị bệnh tim mạch hoặc một số bệnh lý khác, chúng tôi luôn khuyên nên tiêm phòng Covid-19. Tuy nhiên, nên tiêm trong bệnh viện để có thể xử trí những vấn đề sau tiêm. Đối với các bệnh nhân sức đề kháng kém, tức là khả năng tạo kháng thể kém, chúng tôi sẽ khuyên tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld. Đây là kháng thể đơn dòng phòng ngừa Covid-19 cho một số đối tượng không thể hoặc không đáp ứng với vaccine. Đây là điều rất hữu ích đối với người lớn tuổi, người bệnh tim mạch và người suy giảm miễn dịch.
20. Người bệnh 60 tuổi phát hiện thông liên nhĩ, có cần phẫu thuật?
Bố em năm nay 60 tuổi, đi khám sức khỏe được bác sĩ chẩn đoán bị bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ 2, đường kính lỗ thông 15mm. Bố vẫn sinh hoạt bình thường nhưng thỉnh thoảng bị đau nhói ở ngực. Liệu bệnh của bố em có nguy hiểm không, cần phải can thiệp hay phẫu thuật gì hay không?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Bố bạn 60 tuổi, đã đi khám và phát hiện có một lỗ thông liên nhĩ, đường kính 15mm. Đây là bệnh tim bẩm sinh đã tồn tại ở người lớn đến tận 60 tuổi. Việc có điều trị hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: một là kích thước lỗ thông, hai là tình trạng sức khỏe của bố bạn vì bố bạn thỉnh thoảng có đau ngực, không biết có khó thở không? Ngoài ra, trên siêu âm cũng cần phải đánh giá những thông số khác, ví dụ như thông liên nhĩ này có ảnh hưởng đến các buồng tim không, có làm giãn buồng thất phải không, có làm tăng áp lực động mạch phổi hay không?
Có nhiều trường hợp thông liên nhĩ, lúc đầu người bệnh thích nghi được, chung sống với nó được, nhưng càng về sau luồng thông từ bên tâm nhĩ trái sang tâm nhĩ phải, dần dần làm giãn buồng thất phải, để càng lâu thì càng ảnh hưởng sức khỏe dẫn đến suy tim phải, tăng áp động mạch phổi. Cho nên trong các trường hợp cần thiết, kể cả lớn tuổi thì vẫn cần phải phẫu thuật can thiệp để đóng lỗ thông liên nhĩ.
Về đóng thông liên nhĩ, chúng ta có hai kỹ thuật: một là can thiệp qua đường ống thông. Bác sĩ sẽ đưa ống thông vào mạch máu, sau đó đưa một dụng cụ gọi là dù đến lỗ thông liên nhĩ, mở dù ra và nó sẽ gắn vào lỗ thông. Đây là biện pháp rất nhẹ nhàng, không cần gây mê, xuất viện sớm, thường được chỉ định trong trường hợp lỗ thông nhỏ, các gờ xung quanh rộng. Kỹ thuật thứ hai được áp dụng đối với các lỗ thông lớn nhưng bị lệch, có những cái gờ đủ rộng nhưng có những cái quá bé. Lúc này, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để vá lỗ thông.
Như vậy, bạn cần đưa bố đi khám để các bác sĩ tiến hành siêu âm tim qua thành ngực, thậm chí siêu âm qua thực quản để đánh giá lỗ thông liên nhĩ thế nào, các gờ ra sao, từ đó quyết định có phẫu thuật hay không.
21. Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không? Làm sao để phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm?
Em sinh bé thứ hai bị tim bẩm sinh hẹp eo động mạch chủ đã phẫu thuật, khi có bầu siêu âm không phát hiện. Nay em rất muốn sinh thêm bé nhưng lại lo ngại bé sau cũng bị. Vậy em cần làm gì để phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm, và nên siêu âm ở đâu?
TS.BS Nguyễn Thị Duyên:
Bệnh hẹp eo động mạch chủ đến nay vẫn là một thách thức, không phải vì do khó chẩn đoán mà nó rất dễ bị bỏ qua. Chúng ta có thể tầm soát bệnh lý này từ ngay trong bào thai, nhưng để chẩn đoán chính xác thì phải đến những trung tâm có các bác sĩ nhiều kinh nghiệm. Cụ thể, để làm siêu âm tim chúng ta có 2 cấp độ: cấp độ thứ nhất là bác sĩ Sản khoa, cấp độ thứ 2 là bác sĩ Tim mạch. Có 3 cột mốc quan trọng trong thời kỳ bào thai để phát hiện các dị tật, trong đó có dị tật tim thai:
- Quý 1 của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất): từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13.
- Quý 2 của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai): từ tuần thứ 18 đến tuần thứ 22.
- Quý 3 của thai kỳ (tam cá nguyệt thứ ba): từ tuần thứ 30 đến tuần thứ 32.
Em bé của bạn bị hẹp eo động mạch chủ và sau sinh mới được phát hiện. Bản thân tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp hẹp eo động mạch chủ bị bỏ qua trong thời kỳ bào thai. Bởi nếu chỉ tầm soát sản khoa thông thường, bác sĩ chỉ thực hiện mặt cắt 4 buồng, bỏ quên mặt cắt 3 buồng, mặt cắt 3 mạch máu, dẫn tới bỏ sót tình trạng gọi là hẹp eo động mạch chủ.
Một thách thức nữa là, việc chẩn đoán hẹp eo động mạch chủ trong thời kỳ bào thai tương đối còn khó khăn. Nguyên nhân là hệ thống tuần hoàn trong bào thai tương đối khác hệ thống tuần hoàn khi em bé được sinh ra, đây là sự tuần hoàn song song tức là dòng máu tương đối cân bằng. Do đó, một bác sĩ không có kinh nghiệm sẽ không đánh giá thường quy mặt cắt 3 mạch máu, từ đó bỏ sót tổn thương này.
Bên cạnh đó, mức độ hẹp eo động mạch chủ nặng hay nhẹ có khi phải chẩn đoán sau sinh. Mặc dù em bé đã được nghi ngờ hẹp eo động mạch chủ trong thai kỳ, nhưng chúng ta phải tầm soát lại bằng siêu âm ngay sau sinh, thậm chí phải chờ ống động mạch đóng lại rồi mới siêu âm.
Một số trường hợp lại xuất hiện tình trạng tái hẹp eo động mạch chủ, có nghĩa là sau sinh siêu âm bình thường nhưng khoảng 4 tuần – 6 tháng sau thì em bé gặp tình trạng hẹp eo động mạch chủ. Chính vì thế, bệnh hẹp eo động mạch chủ tưởng đơn giản nhưng cần được theo dõi xuyên suốt thời kỳ bào thai và sau sinh.
Về câu hỏi thứ hai của bạn, đó là bạn muốn sinh thêm bé và liệu bạn có thể tầm soát bệnh ngay trong thời kỳ bào thai hay không? Hẹp eo động mạch chủ được xếp vào nhóm bệnh có nguyên nhân di truyền. Tất nhiên, không phải tất cả em bé bị hẹp eo động mạch chủ đều có đột biến gen hoặc bất thường về nhiễm sắc thể mà còn có thêm yếu tố môi trường. Có thể em bé thứ hai của bạn bị nhưng em bé kế tiếp lại không bị. Chúng ta cần tầm soát từ trong bào thai một cách chặt chẽ.
Với kinh nghiệm từ bé trước, tôi nghĩ bạn nên lựa chọn các bệnh viện không chỉ chuyên về Sản khoa mà phải có thêm sự thăm khám chuyên sâu của bác sĩ tim mạch ở các cột mốc quan trọng của thai kỳ, nhất là từ tuần thứ 18-22 và tuần thứ 32. Ngoài ra, việc tầm soát sau sinh cũng rất quan trọng nhằm phát hiện kịp thời bệnh hẹp eo động mạch chủ.
22. Lưu ý gì khi chụp CT tim cho bé?
Con em được chẩn đoán không lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất kín, đã đặt stent ống động mạch. Bé tái khám và được siêu âm tim nghi ngờ nhánh động mạch phổi không phát triển, bị thiểu sản. Bác sĩ chỉ định chụp CT tim. Vậy em có thể đưa con qua BVĐK Tâm Anh chụp không? Chụp CT cho em bé có giống với người lớn không? Em cần chuẩn bị gì trước khi cho bé chụp CT?
BS Nguyễn Phạm Thùy Linh
Tại BVĐK Tâm Anh có hệ thống chụp CT 768 lát cắt hiện đại. Trong một thời gian rất ngắn, trái tim em bé sẽ được quét kiểm tra toàn bộ. Tuy nhiên, có một khó khăn là bé nhà bạn còn quá nhỏ. Dù chụp trong thời gian ngắn nhưng chỉ cần một cử động rất nhỏ cũng làm cho hình ảnh bị nhòe đi. Khi đó, việc chẩn đoán sẽ thiếu chính xác. Để giúp em bé nằm yên khi chụp CT, chúng tôi thường gây mê hay tiền mê cho bé.
Con bạn bị tim bẩm sinh phức tạp với không lỗ van động mạch phổi kèm vách liên thất kín. Thông thường, nhánh động mạch phổi hay bị ảnh hưởng và thiểu sản. Em bé đã được đặt stent ống động mạch nhưng nhánh chưa đủ để phát triển. Và siêu âm cũng có một số giới hạn, chẳng hạn như khó quan sát hết các nhánh động mạch phổi ở xa, dễ bỏ sót sự phát triển của nhánh động mạch phổi. Cho nên, CT là một biện pháp thay thế rất tuyệt vời, giúp nhìn thấy động mạch và các cấu trúc trong tim em bé một cách hoàn hảo. Chúng tôi sẽ dựng hình lại để giúp các kỹ thuật viên biết được hẹp chỗ nào, và nhánh động mạch dài bao xa, từ đó giúp các kỹ thuật viên can thiệp đúng vị trí để cuộc mổ diễn ra an toàn.
23. Phát hiện thông liên nhĩ ở người trưởng thành, có cần can thiệp không?
Em mới khám sức khỏe để đi du học và phát hiện bị thông liên nhĩ 20mm, tim phải giãn. Em rất bất ngờ và lo lắng, vì không có triệu chứng đặc hiệu. Liệu em có cần can thiệp không, và có mổ nội soi được không?
BS.CKI Vũ Năng Phúc:
Đối với thông liên nhĩ lỗ thứ 2 có đường kính 20mm, chúng tôi xếp trường hợp này vào nhóm trung bình. Trên 90% các trường hợp như vậy đều đóng được lỗ thông liên nhĩ bằng nội soi, bằng dụng cụ đóng thông liên nhĩ. Đây là một thủ thuật tương đối dễ dàng. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác hơn, chúng ta cần làm siêu âm tim qua thực quản trước khi đóng thông liên nhĩ bằng nội soi để nhìn chính xác vị trí tương quan của lỗ thông đến các cấu trúc giải phẫu xung quanh, đặc biệt là cái gờ tĩnh mạch chủ dưới phải nằm cách xa. Nếu làm được những điều này, tỷ lệ thành công khi đóng thông liên nhĩ bằng nội soi sẽ rất cao.
24. Vì sao thông liên thất thường dễ bị bỏ sót?
Vì sao những bệnh lý tim bẩm sinh như thông liên thất không có dấu hiệu gì? Như vậy khi đi khám sức khỏe định kỳ, chúng ta có nên thực hiện các tầm soát liên quan đến tim mạch hay không?
BS.CKI Vũ Năng Phúc:
Thông liên nhĩ lỗ thứ 2 kích thước nhỏ hoặc trung bình rất dễ bỏ sót trong thăm khám thực hành lâm sàng thông thường. Nguyên nhân là mình không nghe được những âm thổi do thông liên nhĩ. Chỉ định can thiệp phụ thuộc vào vấn đề có giãn buồng tim hay không, đối với những trường hợp có giãn buồng tim thì nên can thiệp đóng lỗ thông lại.
25. Còn ống động mạch có nguy hiểm không, có những phương pháp điều trị gì?
Em mang thai IVF, mổ chủ động lúc 38 tuần 3 ngày. Khám sàng lọc sau sinh bác sĩ bảo con em còn ống động mạch, hẹn 1 tháng sau khám lại. Vậy 1 tháng sau khám lại liệu cháu có bình thường không? Còn ống động mạch có nguy hiểm không? Em cần chăm bé như thế nào trước khi đi tái khám theo lịch của bác sĩ?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Tất cả thai nhi trong bào thai đều có ống động mạch. Khi trẻ ra đời, thông thường khoảng 2 tuần ống động mạch sẽ tự đóng. Tuy nhiên trên thực tế, có khi ống động mạch gần 3 tháng mới đóng lại được. Do đó, nếu gặp trường hợp em bé còn ống động mạch mà không ảnh hưởng đến huyết động, vẫn bú như bình thường, phát triển bình thường thì chúng tôi để nguyên, thăm khám từ từ sau đó. Nếu đến 3 tháng mà ống động mạch không tự đóng được thì phải tìm cách can thiệp, đóng bằng dụng cụ hoặc mổ cho bé. Cho nên, bạn hãy yên tâm là hiện nay có rất nhiều cách để giải quyết tình trạng bé nhà bạn.
26. Bé bị còn ống động mạch đã đóng dù, liệu khi trưởng thành có phải thay dù không?
Con em bị còn ống động mạch. Cháu đã được can thiệp đóng dù lúc 6 tháng tuổi. Năm nay cháu 5 tuổi, ăn uống chơi đùa bình thường. Không biết liệu đến khi cháu trưởng thành có phải thay dù không? Cháu có cần lưu ý gì trong quá trình sinh hoạt hoặc vận động không?
TS.BS Nguyễn Thị Duyên:
Bé 6 tháng tuổi phải đóng ống động mạch, chứng tỏ ống động mạch này đã ảnh hưởng đến huyết động. Nếu không đóng ống động mạch, sức khỏe của cháu có thể tiến triển xấu đi như buồng tim giãn ra, suy tim, viêm phổi tái phát… Tuy nhiên sau khi đóng ống động mạch, em bé phải được tiếp tục theo dõi trong những năm tháng sau này. Bé không thể có một trái tim hoàn toàn bình thường như mọi người. Tin vui là với bệnh lý ống động mạch thì mức độ can thiệp cũng như mức độ ảnh hưởng đến tim ít hơn so với những trường hợp tổn thương tim phức tạp khác như đảo gốc động mạch, thất phải hai đường ra.
Hiện tại con bạn 5 tuổi, phát triển thể chất bình thường. Bạn hỏi sau này bé có phải thay một dụng cụ khác hay không thì cần lật lại vấn đề, lúc con bạn đóng ống động mạch là can thiệp bằng dụng cụ hay phẫu thuật. Phần lớn các trường hợp không cần đóng hay phẫu thuật lại nếu không có shunt tồn lưu qua ống động mạch đó. Có một số trường hợp (tỷ lệ nhỏ), sau khi đóng ống động mạch hoặc mổ thắt ống động mạch vẫn còn shunt tồn lưu nhỏ qua ống động mạch. Shunt tồn lưu này theo năm tháng to dần, có thể ảnh hưởng đến huyết động của bé, gây ra những triệu chứng như viêm nội tâm mạc, xuất hiện sùi ngay vị trí bám ở ống động mạch. Lúc đó, bé phải tiến hành phẫu thuật để giải quyết sùi, tổn thương viêm nội tâm mạc.
Về chế độ dinh dưỡng, con bạn cần được đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ, làm sao để đủ sức đề kháng, phát triển tốt về thể chất và tinh thần. Thứ hai, bé cần tránh những tình huống viêm nhiễm có thể gây ra tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Mặc dù ống động mạch đã đóng thì nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng tim thấp đi, nhưng nếu ống đó có shunt tồn lưu thì nguy cơ lại ở mức độ vừa. Thứ ba là cần tiêm phòng đầy đủ cho con, vaccine là công cụ rất hữu ích trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Cuối cùng, cần có lộ trình theo dõi cho con về sau nhằm bảo vệ thành quả điều trị trong thời gian vừa rồi, giúp con luôn có một trái tim thật sự khỏe mạnh, tham gia học tập làm việc bình thường, sống cuộc sống hạnh phúc.
27. Bệnh nhân tim mạch cần lưu ý gì trong bối cảnh dịch Covid-19?
Những người đang hoặc nghi ngờ mắc bệnh lý tim mạch cần lưu ý gì trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay?
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến:
Dịch Covid-19 khiến mọi người rất lo lắng, vì dịch mà không dám đến bệnh viện, thậm chí trì hoãn tái khám định kỳ. Có bệnh nhân của tôi vì lo ngại dịch quá mà đi khám chậm trễ, không đúng hẹn; có người lúc đến tái khám thì bệnh nặng lên, phải vào cấp cứu; có cả những trường hợp không qua khỏi. Cho nên, tôi nghĩ dù sống trong dịch bệnh Covid-19, chúng ta cũng không bỏ quên những bệnh khác, trong đó có bệnh tim bẩm sinh cũng như tim mắc phải. Ở BVĐK Tâm Anh, chúng tôi có khu riêng để tiếp nhận điều trị những bệnh nhân tim mạch hoặc các bệnh lý khác nhiễm Covid-19.
Riêng với tim bẩm sinh, tại BVĐK Tâm Anh, chúng tôi có những gói khám tầm soát bệnh. Trước khi lập gia đình, phụ nữ nên đi siêu âm tim để xem có bị tim bẩm sinh hay không. Trong thai kỳ, nên siêu âm tim vào khoảng tuần thứ 20. Khi em bé chào đời, trong vòng mấy tháng đầu cũng nên siêu âm tim ít nhất một lần để sàng lọc tim bẩm sinh. Nếu phát hiện bệnh sẽ tìm cách điều trị sớm, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.
Được trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, dưới sự thăm khám và điều trị tận tình của đội ngũ chuyên gia đầu ngành, Trung tâm tim mạch, Hệ thống BVĐK Tâm Anh chuyên tiếp nhận và chữa trị thành công cho các trường hợp mắc bệnh lý tim bẩm sinh phát hiện từ trong bào thai. Trung tâm có các chuyên gia chuyên về lĩnh vực Tim mạch nhi, sẽ thăm khám và phát hiện sớm những bất thường về tim ở trẻ, từ đó có phác đồ điều trị kịp thời và đúng đắn.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Trung tâm Tim mạch Hệ thống BVĐK Tâm Anh, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Comments are closed.