Tự nặn mụn ở trán gây phù mắt, áp xe, nhiễm trùng da
Tự ý nặn mụn, chị Đ.T.T. (50 tuổi, TP.HCM) bị áp xe, nhiễm trùng da, gây đau nhiều, sưng phù trán, mắt, mũi.
Nhọt sưng to ở trán, mũi, mắt
Thấy mụn nổi trên trán, chị T. tự nặn dẫn đến nhiễm trùng, sưng to. Chị tự dùng thuốc bôi và uống nhưng trán sưng to hơn gây đau nhiều. Chị đến phòng khám gần nhà điều trị nhưng mụn không tiêu mà tạo ổ áp xe, càng gây đau, sưng to, lan đến sống mũi, phù hai mí mắt. Lúc này, chị T. bắt đầu lo lắng nên đến thẳng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để khám.
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trực tiếp thăm khám và chẩn đoán chị T. bị nổi nhọt ở mép trán gần vùng chữ T. (trán, mũi, cằm) sưng to ở trán, sống mũi và mí mắt làm giảm tầm nhìn. Đây là vùng tam giác trên khuôn mặt tiết nhiều bã nhờn, dễ làm tắc nghẽn lỗ chân lông, nhiễm khuẩn gây nổi mụn hoặc nhọt. Khi nhọt mới nổi, người bệnh tự nặn dẫn đến áp xe, sưng phù to. Nếu không can thiệp kịp thời, khối áp xe có thể lan rộng gây viêm tới các xoang hàm mặt, đặc biệt là các xoang gần sàn sọ từ đó gây viêm màng não, viêm não dẫn tới hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng.
Chị T. được uống thuốc kháng sinh và kháng viêm, hướng dẫn cách chăm sóc da nhờn, da dễ nổi mụn,… Nhọt trên trán đã giảm sưng và tụ nhỏ lại nhưng do để tình trạng áp xe quá lâu, không thể làm tiêu nhọt, do đó sẽ tiếp tục chích hút mủ và tiêm thuốc kháng viêm. Nếu để lâu hơn, nhọt có thể tạo áp xe lớn cần phải tiểu phẫu để rạch lấy mủ.
Kỹ thuật chích hút mủ cần thao tác tỉ mỉ, chuẩn bị kỹ càng để tránh nhiễm trùng da. Khi chích hút mủ mọi dụng cụ phải vô trùng, chọn kim tiêm phù hợp, sát khuẩn thật kỹ nhọt và vùng da lân cận, sử dụng khăn vô trùng để che chắn tránh lây nhiễm sang vùng da khác. Vì nhọt nhỏ không cần dùng thuốc gây tê nên kỹ thuật chích hút phải chuyên nghiệp không gây nhiều đau đớn,… Chị T. được chích hút mủ vào buổi sáng, đến chiều có thể tháo gạc và bôi thuốc kháng viêm.
Không tự ý nặn mụn
Bác sĩ Bích cảnh báo tuyệt đối không tự nặn mụn vùng da chữ T. (vùng này có nhiều mạch máu và thông với các mạch máu xoang hang vùng sọ não). Nếu tự nặn mụn sẽ đối diện nguy cơ nhiễm trùng; trường hợp nhiễm trùng nhẹ có thể gây phù, sưng húp mắt, méo mặt; trường hợp nặng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch xoang hang trong não dẫn đến hôn mê, tử vong. Khi nổi nhọt ở vùng mặt, nếu gây sốt, đau nhiều, nhọt to hơn 3cm, gây phù nề vùng mô lân cận,… cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Nguyên nhân gây ra nhọt chủ yếu do vi khuẩn tụ cầu vàng và liên cầu khuẩn. Vi khuẩn xâm nhập qua lỗ chân lông, hoặc vết thương hở, vết tiêm không được sát trùng cẩn thận gây nhiễm trùng, sinh ra nhọt chứa đầy dịch mủ và mô chết. Vùng da dễ nổi nhọt thường xuất hiện ở mông, đùi, nách, miệng, lưng, hiếm khi nhọt nổi ở mặt. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nổi nhọt bao gồm: Vệ sinh da kém, người bệnh đái tháo đường, viêm da, suy thận, suy gan, bị tổn thương da. Bác sĩ Bích cho biết có nhiều trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi hay bị nổi nhọt, tái lại nhiều lần thường có liên quan đến sử dụng thường xuyên các thực phẩm có nhiều chất ngọt.
Để giảm bớt nguy cơ nổi nhọt, hạn chế cho vi khuẩn tiếp xúc với da bằng những cách sau:
- Vệ sinh da sạch sẽ và thường xuyên bằng xà bông kháng khuẩn.
- Không tự ý nặn mụn.
- Hạn chế đưa tay lên mặt.
- Không ăn nhiều đồ ngọt, đồ cay nóng, đồ chiên nhiều dầu mỡ.
- Xử lý vết thương cẩn thận, thay băng gạc thường xuyên.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt và dao cạo…
Comments are closed.