U tuyến dưới hàm hiếm gặp ở người đàn ông tuổi ngũ tuần
Khối u khiến mặt bên trái bệnh nhân căng phồng, biến dạng, được bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh phẫu thuật lấy trọn và bảo tồn dây thần kinh.
Trong một lần cạo râu, ông Đinh Văn Nam 55 tuổi, quê Bình Định, tình cờ phát hiện hàm trái sưng to hơn hàm phải. Ông sờ nắn không thấy đau và cũng không có triệu chứng khó chịu nên chủ quan không đi thăm khám.
Vài tháng sau, thấy hàm trái ngày càng to lên, được vợ thúc giục ông Nam mới tới bệnh viện địa phương thăm khám. Các bác sĩ cho biết vùng cổ của ông có khối u nhưng chưa xác định u lành hay ác tính và khuyên ông nên đến các bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm.
Qua người quen giới thiệu, ông Nam tìm đến khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân có một khối u choán chỗ làm mặt bên trái căng phồng hơn bên phải ở vị trí góc hàm và vùng cổ trên, gây biến dạng nhẹ. Khối u di động, không dính vào dưới da, sờ nắn không đau, rất may chưa ảnh hưởng đến chức năng nhai, nuốt và nói của người bệnh.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm siêu âm vùng cổ, chọc hút kim nhỏ (FNA) và chụp CT-scan. Chẩn đoán ban đầu là một khối u tuyến dưới hàm, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật 3 ngày sau đó.
Bác sĩ Hằng cho biết hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ u luôn là lựa chọn hàng đầu trong các phương pháp điều trị u đa dạng tuyến nước bọt. Bên cạnh đó, xạ trị cũng là phương pháp điều trị cho hiệu quả tốt. Việc quyết định phương pháp điều trị sẽ dựa trên nhiều yếu tố bao gồm đảm bảo lấy trọn được các tổn thương để tránh tái phát, không làm tổn thương mô xung quanh, đảm bảo về mặt thẩm mỹ cho bệnh nhân. Mỗi phương pháp có ưu khuyết điểm riêng và thông thường xạ trị được sử dụng khi phẫu thuật không thể bảo tồn được dây thần kinh.
Trường hợp bệnh nhân Nam, khối u tuyến nước bọt nằm ở thùy nông, dù kích thước to nhưng khả năng gây tổn thương các dây thần kinh khi phẫu thuật thấp nên mổ loại bỏ khối u là lựa chọn được ưu tiên.
Theo bác sĩ Hằng, phẫu thuật u tuyến nước bọt dưới hàm có thể tiếp cận thông qua đường mổ trong miệng hoặc đường mổ ở cổ. Nhưng với trường hợp bệnh nhân Nam, cần tiếp cận bằng đường mổ bên ngoài vùng da cổ. Ngoài ra, do vị trí nhạy cảm của khối u gần với các cấu trúc thần kinh, hàm, mặt nên đòi hỏi ekip phẫu thuật phải có kinh nghiệm, phối hợp nhịp nhàng, tỉ mỉ. Mục tiêu của ca mổ bóc tách khối u ra khỏi các mạch máu và thần kinh nhưng phải bảo tồn được các cơ quan quan trọng.
“Quá trình bóc tách u và tuyến dưới hàm ra khỏi các cơ quan lân cận cũng gặp một số khó khăn do u cản trở phẫu trường. Nhưng nhờ kinh nghiệm và sử dụng bộ dụng cụ phẫu thuật đầu mặt cổ, dao điện monopolar đầu kim, cầm máu bằng bipolar đầu nhỏ nên ekip đã thực hiện thành công. Khối u được lấy trọn nhưng vẫn bảo tồn toàn bộ chức năng của dây thần kinh tại chỗ, vết mổ ít xâm lấn, cầm máu tốt.
Sau 3 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau 4-5 ngày. Đến nay, sau mổ 1 tuần bệnh nhân đã cắt chỉ vết khâu, vết mổ ổn định, không có vấn đề về chức năng vận động các cơ vùng cổ – hàm và lưỡi”, bác sĩ Hằng chia sẻ.
Bác sĩ Hằng cho biết, khối u của bệnh nhân sau khi mổ ghi nhận có vỏ bao mỏng, phân biệt khá rõ với mô lành, kích thước khoảng 3x4cm, mật độ chắc, lòng u đặc, màu xám trắng và không ghi nhận có hoại tử bên trong. Nhìn chung về đại thể, khối u phù hợp với đặc điểm của u đa dạng tuyến nước bọt. U và mô tuyến được gửi làm giải phẫu bệnh và xác nhận là u đa dạng tuyến nước bọt dưới hàm, không ghi nhận hình ảnh xâm lấn.
Theo bác sĩ Hằng, u tuyến dưới hàm là một dạng của u tuyến nước bọt hiếm gặp. U tuyến nước bọt chiếm khoảng 3-4% các khối u vùng đầu cổ, phổ biến nhất là u tuyến nước bọt mang tai chiếm 70%, u tuyến dưới hàm chiếm 5-10%, u tuyến dưới lưỡi chiếm 1%, còn lại là u tuyến nước bọt phụ. U tuyến nước bọt có loại lành tính và ác tính.
Nguyên nhân gây ra u tuyến nước bọt, bao gồm cả u tuyến dưới hàm đến nay vẫn chưa được xác định. Nhiều giả thuyết cho rằng yếu tố gen di truyền có thể giúp giải mã các bí ẩn trên. Yếu tố nguy cơ góp phần tăng tỷ lệ xuất hiện các u tuyến nước bọt lành tính, u Warthin là hút thuốc lá. U tuyến nước bọt thường xảy ra ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên và tương đối ít gặp ở người dưới 30 tuổi.
Chưa có phương pháp phòng ngừa nào cho các u tuyến nước bọt được khuyến nghị. Tuy nhiên theo bác sĩ Hằng, thay đổi lối sống lành mạnh, nói không với thuốc lá và các chất kích thích, khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn là cách phòng ngừa tốt nhất.
Bác sĩ Hằng cũng khuyến nghị, tuy không thường xuyên nhưng vẫn có thể xảy ra tiến trình ung thư hóa ở bệnh nhân bị u đa dạng tuyến nước bọt. Do vậy, nếu vô tình phát hiện một khối sưng to bất thường ở vùng mặt – cổ, họng – miệng thì nên đi khám bệnh sớm nhất để được đánh giá và điều trị kịp thời. “Nếu để lâu, khối u sẽ lớn dần, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng, nếu khối u quá to có thể chèn ép các cấu trúc lân cận gây khó nuốt, khó thở hoặc hóa ác tính. Việc để u quá to cũng gây khó khăn trong quá trình mổ và sau mổ cũng không thể đạt được kết quả tốt nhất.”
Đối với các trường hợp sau phẫu thuật u tuyến dưới hàm, bác sĩ Hằng lưu ý thêm, bệnh nhân cần ăn uống theo chế độ dinh dưỡng sau mổ tại bệnh viện. Chế độ ăn cần giàu dinh dưỡng giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Bệnh nhân cần tái khám để theo dõi tiến trình lành vết thương và cắt chỉ sau mổ. Lịch tái khám thường quy từ 5-7 ngày sau xuất viện để cắt chỉ và giải thích kết quả giải phẫu bệnh cho bệnh nhân và sau 1 tuần tiếp theo để đánh giá lại vết mổ. Nếu sau 2 tuần bệnh nhân ổn định, lịch tái khám ở các lần tiếp theo sẽ là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
Comments are closed.