Bác sĩ Lê Xuân Nguyên – “Phải lòng” và đặt trọn “cái tâm” hiếm muộn
Tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên với thành tích đáng nể, bác sĩ Nguyên được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Sản Phụ khoa, nhưng anh vẫn quyết định gác lại công việc ổn định gần gia đình, để tiếp tục tìm kiếm cơ hội tiếp cận gần hơn với ngành Hỗ trợ sinh sản…
“Cách làm việc trước giờ của mình là đặt cái tâm vào câu chuyện của bệnh nhân là chính, mỗi bệnh nhân đều có những câu chuyện khác nhau, ngoài câu chuyện về góc độ y học sinh sản thì mình còn đứng ở góc độ câu chuyện tinh thần để mình hiểu mình có thể giúp gì tốt nhất cho họ…”, bác sĩ Lê Xuân Nguyên, Bác sĩ Trung tâm Hỗ Trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh.
Cơ duyên với ngành Hiếm muộn
Xuất thân từ gia đình có truyền thống theo nghề y, ngay từ nhỏ, bác sĩ Lê Xuân Nguyên – Bác sĩ TT Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã thừa hưởng niềm đam mê y học, yêu thích việc cứu chữa người bệnh.
Những năm đầu trên giảng đường Đại học Y Tây Nguyên, bác sĩ Nguyên theo đuổi chuyên ngành Sản khoa, cho đến một ngày được trực tiếp tham gia vào một ekip thực hiện kế hoạch hoá gia đình tại bệnh viện. Cảm nhận một hình hài non nớt không còn sự sống trong tay, một sinh viên y từng ôm mộng đỡ sinh chợt nhận ra khao khát thật sự của bản thân lại là che chở, bảo vệ, nuôi nấng những mầm sống nhỏ bé.
Ngày qua ngày, như sự sắp đặt của số phận, những lần vô tình chứng kiến và chạm với nỗi khát khao mong ngóng của bao cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi, cứ như thế mà càng nhiều. Có lẽ, với bác sĩ Lê Xuân Nguyên, ước mơ với công việc tạo nên những mầm sống đã bắt nguồn từ đó: Ước mơ “ươm mầm sự sống”.
Sau một lần tình cờ đọc được bài báo nước ngoài về thụ tinh ống nghiệm, chàng sinh viên Xuân Nguyên “phải lòng” với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. “Mỗi sinh linh ra đời là một điều kỳ diệu và thiêng liêng của tạo hoá. Vì vậy khi được trở thành một trong những con người chạm đến sự thiêng liêng đáng quý ấy, tôi lại càng cảm thấy vinh hạnh và may mắn hơn cả”, bác sĩ Nguyên tâm sự.
Tốt nghiệp đại học với thành tích đáng nể, bác sĩ Nguyên được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Sản Phụ khoa, nhưng anh vẫn quyết định gác lại công việc ổn định gần gia đình, về đầu quân và trau dồi thêm kiến thức tại bệnh viện Từ Dũ để có thể tìm kiếm cơ hội tiếp cận gần hơn với ngành Hỗ trợ sinh sản.
Cũng trong thời gian này, bác sĩ Xuân Nguyên đã từ chối lời mời của một vị Giáo sư người Pháp tham gia khóa học nâng cao tiền sản tại trường đại học ông đang giảng dạy. “Với một bác sĩ trẻ mới ra trường như tôi lúc đó, đây là một cơ hội rất tốt để phát triển nghề nghiệp. Nhưng với tôi, biết được đam mê của bản thân nằm ở đâu, và nỗ lực với mọi nhiệt huyết vì mục tiêu đó chính là đích đến cho mọi hành động của hiện tại. Bởi vâỵ, tôi đã đặt hết “cái tâm” của mình ở Thụ tinh ống nghiệm và khước từ lời mời của vị giáo sư, trao lại cơ hội cho những đồng nghiệp thực sự đam mê với lĩnh vực Tiền sản.
Hỗ trợ sinh sản là một ngành rất đặc thù. Đối với tôi, mỗi bệnh nhân hiếm muộn không chỉ đơn thuần là một ca bệnh cần điều trị, mà hơn hết, họ là những đối tượng cần đến sự lắng nghe, thấu hiểu và xoa dịu vô vàn nỗi đau về tinh thần. Do đó, ngoài lĩnh vực chuyên môn thì việc tìm hiểu, chia sẻ, cũng như dành thời gian sâu sát trong từng ca bệnh luôn là điều mà tôi tâm niệm đặt lên hàng đầu trong phương châm khám chữa bệnh của mình. Bởi lẽ, liều thuốc tinh thần góp phần nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh hiếm muộn nói riêng và mọi lĩnh vực điều trị nói chung” – bác sĩ Lê Xuân Nguyên trải lòng.
Chờ đợi 5 năm cho ước mơ được “gieo mầm
Sau thời gian làm việc tại nhiều phòng khám, bác sĩ Xuân Nguyên tiếp tục tham gia khóa học về Vô sinh hiếm muộn, được Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt chương trình đào tạo vào năm 2019. Đây được xem như cái chạm tay đầu tiên vào ước mơ sau 5 năm kiên trì theo đuổi mục tiêu. Bác sĩ Nguyên cho biết: “Trong suốt thời gian theo đuổi ước mơ, tôi đã đánh đổi nhiều thứ: thời gian, tiền bạc cùng nhiều cơ hội khác. Khi được học, được tiếp cận chính thống các kiến thức về vô sinh hiếm muộn; được vào phòng Lab, được quan sát phôi và thấy một mầm sống bắt đầu hình thành, biết rằng một sinh linh bé bỏng đang lớn lên trong bụng người mẹ; cảm giác của tôi rất sung sướng. Niềm đam mê càng “cháy” hơn trong tôi để học tập và trau dồi những kiến thức, phương pháp mới trong điều trị hiệu quả vô sinh hiếm muộn”.
Kết thúc khóa học, bác sĩ Xuân Nguyên đạt thành tích cao, khẳng định được năng lực của bản thân, được một phòng khám vô sinh hiếm muộn có tiếng tại TP.HCM mời đảm nhiệm vị trí trưởng phòng khám của một bệnh viện có tiếng trong thành phố về Hỗ trợ sinh sản. Tại đây bác sĩ Nguyên vừa là đầu tàu dẫn dắt và trực tiếp thăm khám, đồng hành cùng nhiều ba mẹ trên hành trình tìm con yêu.
Sau khoảng thời gian gắn bó tại bệnh viện cũ, bác sĩ Lê Xuân Nguyên chuyển công tác đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cùng đồng hành với Thạc sĩ, Bác sĩ Giang Huỳnh Như – vị lãnh đạo có tâm và có tầm của IVFTA-HCM. Về cơ duyên với Tâm Anh, bác Nguyên chia sẻ “Hiếm muộn là ngành đặc thù không có điểm dừng, mỗi ngày có kỹ thuật mới cứ cập nhật liên tục. Khi đọc tài liệu nước ngoài mình thấy có mối liên quan giữa các khoa. Sự cộng gộp rất có giá trị ví dụ như miễn dịch, bệnh lý nội khoa, bệnh lý tất cả khoa khác hỗ trợ về sản chẳng hạn. Đơn vị cũ mình công tác cũng tốt nhưng lại thiếu những mảng như vậy… Và may mắn khi ở Tâm Anh có tất cả.”
Đối với nhiều gia đình, để có một mụn con là đánh đổi là 5 năm, 10 năm thậm chí là 20 năm mòn mỏi chờ đợi. Khi được lắng nghe những câu chuyện, những lời tâm sự của các cặp vợ chồng trên hành trình tìm con, niềm khao khát được đồng hành và tâm niệm giúp đỡ người bệnh lại sục sôi trong trái tim người bác sĩ trẻ.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên nhớ lại: “Có những gia đình mong con hơn một thập kỷ, từng được bế con trên tay nhưng niềm vui ấy không kéo dài, đứa trẻ bị mắc bệnh lý nghiêm trọng “xương thủy tinh”. Hai vợ chồng đến với mình khi đã lớn tuổi, từ ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp sinh sống.
4 lần chị mang thai nhưng lại là 4 lần anh chị xót xa khi phải tạm biệt những hình hài bé bỏng. Yêu nhau, kết hôn và sinh con là đích đến của một hành trình hạnh phúc mà bất cứ đôi vợ chồng nào cũng mong muốn. Cùng nỗi niềm chung đó, ngay sau khi kết hôn, vợ chồng anh chị đã bắt đầu mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Không lâu sau khi cưới, chị vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi que báo thử thai hiện rõ 2 vạch.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, ở tuần 21 của thai kỳ, bác sĩ phát hiện em bé bị dị tật tứ chi ngắn, buộc phải chấm dứt thai kỳ.
2 năm sau, khi sức khoẻ tinh thần và thể chất đã ổn định hơn, anh chị tiếp tục thả để có bầu, lần này chị vẫn dính bầu nhưng em bé bị bệnh lý xương thuỷ tinh. Đây là bệnh xương hiếm gặp, có tính di truyền mà nguyên nhân là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn và dễ gãy sau một va chạm rất nhẹ như ho, hắt hơi,… hoặc ngay cả khi không có sang chấn. Tuyệt vọng và mất mát, anh chị vẫn mong ngóng chút hy vọng nhỏ rằng em bé sinh ra sẽ khoẻ mạnh, vì vậy ở tuần 38 thai kỳ, chị quyết định sinh bé nhưng không có phép màu nào với đôi vợ chồng trẻ, em bé chào đời với dị tật xương thuỷ tinh và não úng thuỷ nặng. 22 tháng sau sinh, em bé mất để lại trong lòng đôi vợ chồng những nỗi đau, hoang hoải “mong ước có một em bé khỏe mạnh sao khó quá”.
Khát con tận cùng chị “lao” vào chữa trị, đi khắp các bệnh viện, ai chỉ đâu cũng theo, uống mọi loại thuốc nhưng bao hy vọng cũng trôi sông bỏ bể, như 1 “cái dớp” chị vẫn chịu cảnh mất con.
Năm 2016, chị mang thai lần 3, bóng đen quá khứ vẫn trùm lấy anh chị, 16 tuần thai nhi được phát hiện bị dị tật tứ chi ngắn. Mẹ đau rồi thương cho thai nhi bé nhỏ bị căn bệnh quái ác đeo bám. Bất lực, chị đành tiếp tục “buông tay”.
Nghỉ ngơi 2 năm để ổn định tâm trạng, năm 2018, 2 vợ chồng quyết định thả để có em bé với hy vọng may mắn sẽ mỉm cười. Nhưng phải chăng cuộc đời quá khắc nghiệt với người phụ nữ này, chị từng nghĩ “ thà 1 vạch còn hơn có thai rồi lại để mất con, không chỉ 1 lần mà đến tận 4 lần”, nỗi đau cứ chồng chất lên trở thành một nỗi sợ khủng khiếp. Lần này em bé vẫn bị dị tật tứ chi ngắn. Sau khi đình chỉ thai kỳ, anh chị được hướng dẫn làm xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ Micro-array từ dây rốn thai nhi, kết quả xét nghiệm cho kết quả thai mang các đột biến liên quan đến bệnh lý xương thuỷ tinh.
Đoạn tuyệt một sinh linh… Rời bệnh viện sau đợt điều trị do buộc phải chấm dứt thai kỳ. 2 vợ chồng ôm hy vọng “cải số” sau gần 10 năm trời vô vọng tìm con, anh chị xin vía khắp nơi cầu để sinh con khỏe mạnh vì đi gần khắp các bệnh viện, bác sĩ thì hầu như ai cũng nói bó tay. Lúc đó đôi vợ chồng ấy nghĩ, nếu sinh thêm con thì chắc cũng lại bị xương thủy tinh. Nghe ngóng được trên báo đài và biết đến thụ tinh ống nghiệm có thể giúp sinh những em bé khỏe mạnh, vợ chồng chị gặp một bác sĩ hợp tác với bệnh viện Tâm Anh để tiến hành làm IVF. Dự tính ban đầu của bác sĩ đó là sẽ tạo phôi, sinh thiết phôi để kiểm tra bộ NST, nếu bộ NST đủ thì sẽ chuyển phôi tốt. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, bác sĩ Nguyên thấy một điều rõ ràng là bệnh lý xương thủy tinh không phải là có đủ bộ NST hay không mà là vấn đề về gen.
Sau khi tiếp nhận 2 vợ chồng, được 2 vợ chồng chia sẻ “để có thể làm thụ tinh ống nghiệm, 2 vợ chồng em đã bán nhà ở Nam Định bác ạ”. Sự hy sinh đó là quá lớn và bác sĩ Nguyên nói với bệnh nhân cần thời gian để hội chẩn lại. Ngay sau đó, anh hội chẩn cùng Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Lâm Khoa của trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Khoa từng có thời gian học và làm việc tại trung tâm tiền sản lớn ở Pháp nên rất am hiểu về lĩnh vực này.
Ở nước ngoài, họ sẽ tầm soát gen của 2 vợ chồng trước để xem có mang gen bất thường liên quan đến xương thủy tinh hay không, sau đó mới tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Nhưng Việt Nam chưa hề thực hiện phương pháp đó, nên bác sĩ Lê Xuân Nguyên liên hệ với bác Lâm Khoa để trao đổi với một bên về nghiên cứu Gen xem trong trong các gói xét nghiệm Gen hiện có có gói nào liên quan một chút về xương thủy tinh hay không thì bên trung tâm thông báo có gói xét nghiệm đó nhưng chi phí cao.
Hiểu vấn đề chi phí là gánh nặng lớn lên đôi vai đôi vợ chồng, lòng người bác sĩ lại âm ỉ như lửa đốt, cố gắng suy nghĩ sao để có thể tiết kiệm tối đa chi phí cho cả hai. May mắn sau lần kết nối của bác sĩ Trần Lâm Khoa với đơn vị xét nghiệm Gen, bác sĩ Nguyên có có hội được qua trực tiếp với đơn vị xét nghiệm để thương thảo và may mắn anh xin được 2 gói xét nghiệm miễn phí cho vợ chồng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy chị vợ mang 2 gen liên quan đến xương thủy tinh, chồng mang 1 gen liên quan đến xương thủy tinh. Lúc đó bệnh nhân đã tạo phôi rồi nên phải đi thuyết phục ngược lại bác sĩ hợp tác đừng làm xét nghiệm sinh thiết PGT nữa để đỡ tốn chi phí, bác sĩ cũng đồng ý. Vấn đề đặt ra là khi đã nhận thấy bất thường từ cha và mẹ thì làm sao để tạo ra đoạn mồi cho đứa bé. Và mình tiếp tục liên hệ với một bên thứ 4 về phân tích di truyền tại Việt Nam về bộ kit tìm ra đoạn mồi. Ban đầu trung tâm trả lời không được vì trước giờ chưa từng làm như vậy, tuy nhiên, bác sĩ Nguyên không bỏ cuộc, cố gom góp nỗ lực để mong có “mầm sống” khỏe mạnh. “Mình biết nếu lần này một đứa trẻ bị xương thủy tinh ra đời nữa sẽ là nỗi ám ảnh, là nỗi đau đè nén lên nỗi đau của cặp vợ chồng đáng thương này”, anh kể.
Sau quá trình liên tục trao đổi cùng bên trung tâm, may mắn họ đã tìm ra cách để tầm soát bất thường về gen này nhưng giá cũng rất cao vì đây là phương pháp không thường quy, mọi thứ đều phải nhập từ nước ngoài nên chi phí đội lên phải mấy chục triệu trên một phôi. Gia cảnh bệnh nhân không khá giả, nhưng mong ước một đứa con khiến hô không thể dừng lại, đôi vợ chồng nghèo tìm đến bác Nguyên: “Em bán căn nhà của bố mẹ em được không bác?”
“Nhiều người khuyên mình buông đi nhưng tâm mình không đành. May mắn sau nhiều lần trao đổi, bên trung tâm chấp nhận giảm chi phí từ 30%, 50% rồi đến giảm 100%. Trước mắt còn một số thủ tục về giấy tờ để có thể làm miễn phí cho 2 vợ chồng, nhưng tương lai gần thôi, bệnh nhân sẽ được tầm soát về gen tìm ra phôi bình thường sau đó là chuyển phôi, vẫn có cơ hội có con bình thường”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Với mỗi câu chuyện, mỗi một hoàn cảnh hiếm muộn là động lực thôi thúc bác sĩ Lê Xuân Nguyên cũng như các bác sĩ tại IVFTA-HCM cố gắng hơn, quyết tâm hơn để đem đến hạnh phúc, những mong mỏi cho những gia đình hiếm muộn mong con.
Trắng đêm tìm quy trình chọc hút trứng cho bệnh nhân F0
Đại dịch Covid-19 bùng phát kéo theo là những khó khăn, đặc biệt với những cặp gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con. Không ít vợ chồng bỏ lỡ chu kỳ điều trị, hoãn thời gian chọc trứng, chuyển phôi.
Nếu không may gần đến ngày chọc hút trứng nhưng lại bị F0, đó là tình cảnh ngặt nghèo, đối diện với nguy cơ phải hủy chu kỳ chọc hút mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ phải đối mặt.
Là một trong những cặp vợ chồng điều trị với bác sĩ Lê Xuân Nguyên, gần đến ngày chọc hút trứng, hai vợ chồng chị Huệ không may nhiễm virus SARS-CoV-2. 12h đêm đó, bác sĩ Nguyên thông báo kết quả PCR chị dương tính với nCoV. Cuộc điện thoại với hơn nửa thời gian là những tiếng khóc nấc từ nữ bệnh nhân, một người phụ nữ đã từng chịu nỗi đau vì phải chấm dứt thai kỳ sớm vì thai nhi bị bất thường NST, lần này gom góp hy vọng để làm IVF lại phải đứng trước nguy cơ hủy chọc hút vì nhiễm Covid-19. Đó là một đêm không ngủ đối với chị cũng như với bác sĩ Nguyên và đội ngũ IVF Tâm Anh.
12h đêm sau khi nhận thông tin bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, bác sĩ Lê Xuân Nguyên cùng Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như tìm đọc những dữ kiện y văn tới 5h hơn sáng để tìm hướng đi, sau đó đề xuất với Ban Giám đốc bệnh viện để có thể chuẩn hóa quy trình chọc hút cho người bệnh. 8h30 cùng ngày, Ban Giám đốc phê chuẩn quy trình và 11h bệnh nhân được chọc hút.
“May mắn, ngay từ lúc đại dịch bùng phát, IVFTA-HCM đã từng suy nghĩ và lên kế hoạch trước, vì vậy khi áp dụng mọi chuyện đều rất suôn sẻ”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Với trường hợp của chị Huệ, bác sĩ Nguyên dự đoán sẽ lấy ra được 21 nang. Tuy có vấn đề phát sinh khiến thời điểm chọc hút trứng trễ hơn kế hoạch, nhưng may mắn vẫn lấy được trọn vẹn 21 nang trứng cho bệnh nhân. Khi tách vỏ bên ngoài của nang noãn, một số noãn bị thoái hóa do vấn đề thời gian, nhưng 15 noãn đủ điều kiện trữ đông và tất cả đều là noãn trưởng thành thật sự, có tiềm năng kết hợp với tinh trùng để tạo thành phôi.
“Hiếm muộn có thể kéo dài trong rất nhiều năm, những thất bại sẽ làm tâm lý trở nên tiêu cực. Bác sĩ hiếm muộn không chỉ tìm hiểu bệnh lý để điều trị, mà cần lắng nghe và chia sẻ để bệnh nhân hiểu thông suốt; khi giảm bớt được áp lực, tâm lý tiêu cực thì việc tiếp nhận phác đồ điều trị sẽ đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn. Tôi luôn tâm niệm, tôi có thể không phải là bác sĩ tốt nhất nhưng những gì tôi làm cho bệnh nhân phải là tốt nhất”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên hiện công tác tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, tinh thần ham học hỏi và tận tâm, bác sĩ Lê Xuân Nguyên được đánh giá là một bác sĩ giỏi, có năng lực và sẽ vươn xa trong ngành Vô sinh hiếm muộn. Bác sĩ Nguyên được nhiều bệnh nhân quý mến bởi sự gần gũi, tâm huyết trong từng ca bệnh giúp hành trình tìm con được thông suốt tâm lý, nhẹ nhàng và nhiều hy vọng.
Comments are closed.