Hướng dẫn phòng tránh tai biến sản khoa trong mùa dịch
Tai biến sản khoa hay còn gọi là biến chứng thai kỳ có thể xuất hiện ở bất cứ tam cá nguyệt nào, đe dọa tính mạng của thai phụ và thai nhi. Chính vì thế, việc trang bị kiến thức về biện pháp dự phòng đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa và điều trị kịp thời, bảo vệ thai phụ và em bé.
Thông tin trên được các chuyên gia của Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong chương trình Tư vấn trực tuyến “Phòng tránh biến chứng thai kỳ và tai biến sản khoa trong mùa dịch” tối ngày 11/3/2022 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
Thống kê cho thấy, gần 800 sản phụ tử vong do các tai biến sản khoa mỗi năm, khoảng 15-20% trường hợp thai phụ có nguy cơ sảy thai trong 20 tuần đầu thai kỳ.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, tai biến sản khoa là một trong những mối đe dọa lớn đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ và thai nhi. Tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ mà không tiên lượng trước được.
“Bất kỳ thai phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến sản khoa. Do đó, việc dự phòng và đưa ra những biện pháp ngăn ngừa, can thiệp kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho thai phụ lẫn thai nhi”, bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo.
Chia sẻ về các tai biến sản khoa mà mẹ bầu cần quan tâm, BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản – Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, những tai biến sản khoa thường gặp nhất gồm:
Thứ nhất, băng huyết sau sinh. Đây là tình trạng sau khi xổ thai ra thì máu có thể mất hơn 500ml (sinh thường) hoặc trên 1.000ml (sinh mổ). Tai biến sản khoa này có thể xuất hiện sớm, sau 24 giờ sinh hoặc có thể xuất hiện trong thời gian hậu sản 6 tuần.
Thứ hai, tiền sản giật. Đây là tình trạng tăng huyết áp thai kỳ xảy ra từ tuần 20 có thể gây tổn thương gan, não, thận của sản phụ khi sinh.
Thứ ba, tình trạng nứt hoặc vỡ tử cung xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ hoặc trong quá trình chuyển dạ. Tai biến này thường gặp ở những thai phụ có tiền căn vết mổ cũ hoặc vết mổ ở những lần lấy thai trước, vết mổ nhiều lần do bóc nhân xơ…
Thứ tư, nhiễm trùng hậu sản thường gặp ở những thai phụ sau sinh hoặc sau mổ. Nguyên nhân có thể do chuyển dạ kéo dài, thai phụ có tình trạng nhiễm trùng âm đạo trước đó nhưng không được xử lý đúng mức hoặc thai phụ có tiền căn đái tháo đường, béo phì.
Cuối cùng, thuyên tắc ối là một trong những tai biến sản khoa cực kỳ nguy hiểm bởi có thể đe dọa và gây tử vong cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, có rất nhiều thai phụ không hề xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tai biến sản khoa xảy ra và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ và thai nhi. Do đó, nếu đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai, khuyến cáo thai phụ cần bảo vệ bản thân và thai nhi bằng cách tìm hiểu các dấu hiệu và biến chứng thai kỳ, đồng thời chọn cơ sở y tế uy tín để được chăm sóc trước, trong, sau sinh và giai đoạn hậu sản đúng cách.
-
BS.CKI Trần Lâm Khoa, Bác sĩ TT Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo thai phụ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để được chăm sóc và bảo vệ trước, trong, sau sinh và hậu sản đúng cách
Dưới đây là phần giải đáp của các chuyên gia Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:
Em 40 tuổi đang mang thai IVF, thai đôi 25 tuần đã khâu eo. Em mới đi siêu âm tử cung thì cổ tử cung của em có 20. Bác sĩ cho em hỏi tử cung bao nhiêu là an toàn?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Dưới 25mm được xem là cổ tử cung ngắn, bạn có nguy cơ sinh non. Vốn dĩ những thai phụ mang đa thai đã có nguy cơ sinh non cao hơn bình thường. Thai của bạn đã 20 tuần, cổ tử cung 20mm đã khâu eo, do đó tôi nghĩ các bác sĩ đã áp dụng các biện pháp như hỗ trợ nội tiết để đặt trong hậu môn/âm đạo. Nếu vẫn chưa đạt như mong muốn, bạn có thể nghĩ tới biện pháp như đặt vòng Pessary vào trong âm đạo nhằm thay đổi trục cổ tử cung để mong rằng diễn tiến chuyển dạ sẽ diễn ra chậm hơn.
Lúc 13 tuần em đi siêu âm thì vị trí nhau là bám mặt trước nhóm 1, độ 1. Hiện em mới siêu âm 16 tuần thì nhau thai bám thấp, vị trí bám mặt trước nhóm 2, độ 1. Cho em hỏi kết luận trên có ảnh hưởng đến mẹ và em bé nhiều không và em có cần lưu ý gì đặc biệt không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Để chẩn đoán một trường hợp nhau bám thấp hay nhau tiền đạo, cần thực hiện siêu âm sau thời điểm thai 28 tuần. Thai của bạn mới được 16 tuần, có chẩn đoán nhau bám thấp thì cũng đừng quá lo lắng vì lúc này tử cung, em bé cũng như nhau thai còn đang trong giai đoạn phát triển. Có thể ở thời điểm 16 tuần là nhau bám thấp, nhưng khi 28 tuần thì trở lại là một cái nhau bình thường.
Có một điều bạn cần lưu ý, đó là khi bác sĩ siêu âm chẩn đoán nhau bám thấp, bạn không nên làm việc nặng, hạn chế quan hệ vợ chồng vì có thể gây tình trạng xuất huyết âm đạo. Tuy nhiên, không nên kiêng cữ quá mức, ví dụ như nằm một chỗ vì nằm một chỗ không mang lại lợi ích gì cho thai phụ và em bé, ngược lại còn làm cho thai phụ lo lắng nhiều hơn, lưu thông máu huyết không thuận lợi. Thay vì vậy, thai phụ dù đang ra huyết cũng nên đi lại nhẹ nhàng.
Em làm Double Test cho nguy cơ cao, kết quả đo độ mờ da gáy là 4mm kèm thiểu sản xương mũi, giãn bể thận 2 bên, bác sĩ khuyên nên chấm dứt thai kỳ. Vậy em có nên chờ đến 16 tuần để chọc ối không? Liệu còn có cơ hội nào không thưa bác sĩ?
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Không biết bạn đang ở tuần thai thứ bao nhiêu, chắc là đã sau 12 tuần. Những dấu chứng bạn mô tả khiến tôi nghĩ đến thai có bất thường về bộ mã di truyền. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dấu chứng, chưa phải chẩn đoán thật sự xem em bé này có bị bất thường về di truyền hay không. Do đó, nếu tuổi thai dưới 14 tuần thì bạn nên làm sinh thiết gai nhau; nếu trên 16 tuần thì có thể chọc ối. Chúng ta chỉ chấm dứt thai kỳ khi đã chẩn đoán được em bé có những bất thường về mặt di truyền mà chúng ta không thể can thiệp được.
BVĐK Tâm Anh được trang bị rất nhiều phương tiện nhằm giúp chẩn đoán chính xác, cũng như theo dõi và điều trị các bệnh lý xuất hiện trong thai kỳ và sau sinh. Chúng tôi có một Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh nhằm giúp bác sĩ Sản khoa nhìn thấy những bất thường về mặt hình thái học. Sau đó, chúng tôi có sự hỗ trợ của khoa Giải phẫu bệnh – Di truyền học để góp phần chẩn đoán những bất thường về mặt di truyền của thai nhi cũng như bố mẹ.
Ngoài ra, khi chúng tôi phát hiện những bất thường có thể cải thiện được, chúng tôi có một đội ngũ bác sĩ Sơ sinh rất có kinh nghiệm nhằm cứu sống các bé có dị tật nặng hoặc các bé non tháng. BVĐK Tâm Anh là một tập thể có sự phối hợp của rất nhiều khoa nhằm đem lại một lợi ích cuối cùng cho người bệnh, đó là chẩn đoán chính xác cũng như cải thiện tiên lượng và điều trị cho cả mẹ lẫn bé.
Em mang thai 28 tuần đi khám thì được chẩn đoán khả năng nhau cài răng lược. 30 tuần đi siêu âm lại thì bác sĩ nói 100% nhau cài răng lược, khả năng cao phải cắt hoàn toàn buồng tử cung và sau này không sinh con được nữa. Đến tuần 32 đi siêu âm thì bác sĩ nói thai của em có mạch máu ăn bám theo bàng quang xuyên qua đầu của buồng tử cung, rất nguy hiểm. Trường hợp của em phải làm gì để có thể mẹ tròn con vuông?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Đây là một biến chứng của những thai phụ có mổ lấy thai trước đây, cũng lý giải vì sao trong Sản khoa luôn khuyến khích sản phụ nên sinh tự nhiên.
Nhau cài răng lược là một bệnh lý rất nguy hiểm. Trước đây, những phụ nữ sống ở các khu vực có nền y tế chưa phát triển khi bị nhau cài răng lược thường chết ở nhà hoặc chết trên đường đi do mất máu quá nhiều. Hiện nay, với những tiến bộ của siêu âm đã giúp phát hiện được nhau cài răng lược rất sớm, thậm chí ở 3 tháng đầu cũng có những gợi ý nhau cài răng lược.
Khi thai phát triển trong vùng sẹo mổ lấy thai, càng ngày nó càng xuyên vào lớp cơ tử cung, đầu tiên là bám lên cái sẹo, trong quá trình phát triển sẽ đi sâu hơn vào sẹo, sau đó có thể đâm xuyên qua thành cơ tử cung đến những cơ quan khác, hay gặp nhất là bàng quang. Vì vậy, chúng tôi có lời khuyên cho bạn là không nên quá lo lắng vì em bé ở tuổi thai 32 có thể được nuôi sống dễ dàng.
Thứ hai là bạn đã biết mình có nhau tiền đạo, nhau cài răng lược thì nên theo dõi tại các cơ sở y tế có phòng mổ, có gây mê hồi sức… Nếu là bệnh viện đa khoa càng tốt, sẽ có chuyên khoa Tiết niệu, Ngoại Tổng quát vì đây là một ca mổ cần sự phối hợp của rất nhiều chuyên khoa trong đó có Sản Phụ khoa, Sơ sinh, Gây mê hồi sức, Tiết niệu, Ngoại tổng quát…
Thông thường, nhau cài răng lược không cần phải đợi đến 39 hay 40 tuần mới mổ, mà chúng ta sẽ có lịch mổ ở tuổi thai sớm hơn là từ 34-36 tuần tùy theo mức độ ăn lan của nhau như thế nào, cũng như tùy theo tình huống có xảy ra cấp cứu hay không. Nếu như không có tình huống cấp cứu thì lịch mổ càng cố gắng gần ngày sinh càng tốt như 36 tuần. Còn nếu như có những tình huống cấp cứu đe dọa tính mạng của mẹ và bé thì có thể mổ bất cứ khi nào, có thể là 34 tuần. Do đó, bạn nên đến ngay cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở có đầy đủ các chuyên khoa giống như tôi kể khi nãy để các bác sĩ chuyên khoa có thể xem lại tình huống này, có thể có kế hoạch mổ phối hợp nhiều chuyên khoa.
Còn vấn đề có cắt tử cung hay không, hiện nay với sự tiến bộ cũng như hiểu biết rất nhiều về các kỹ thuật mổ của nhau cài răng lược thì có một kỹ thuật mổ nhau cài răng lược có thể bảo tồn tử cung được. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ đánh giá lại tại thời điểm mổ lấy thai, xem xét tử cung này mức độ ăn lan của nhau cài răng lược này tới đâu, và phần còn lại trên cổ tử cung cũng như thân tử cung liệu rằng có đủ để bác sĩ chừa lại để may hoặc bảo tồn tử cung được hay không.
Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần vì nhau này xâm lấn quá xa, không còn đủ điều kiện để chúng ta bảo tồn tử cung được. Nếu như có đủ điều kiện để có thể bảo tồn tử cung được thì hiện nay các bác sĩ vẫn bảo tồn tử cung trong trường hợp nhau cài răng lược. Do đó mong bạn theo dõi kỹ lưỡng, khi nào có ra huyết phải thông báo ngay cho bác sĩ theo dõi thai kỳ của mình và phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Thưa bác sĩ, mũi 3 là mũi tiêm bổ sung phòng Covid-19 thì mẹ bầu có nên tiêm hay không? Em nghe nói vaccine không nên tiêm quá nhiều, không tốt cho cả mẹ và con sau này vì khi mang bầu đã chích một số loại vaccine.
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Hiện nay dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, mặc dù thế giới đã có nhiều biện pháp phòng ngừa. Đã hơn 2 năm trôi qua, việc nhiễm Covid-19 vẫn chưa được xếp vào nhóm nhiễm bệnh thông thường. Thành ra việc tiêm ngừa Covid-19 vẫn còn rất cần thiết, chính vì vậy Bộ Y tế đã ra rất nhiều khuyến cáo tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho tất cả các đối tượng, hiện nay đã triển khai cho nhóm đối tượng trẻ từ 5 tuổi trở lên. Việc thai phụ tiêm vaccine Covid-19 đã được khuyến cáo và triển khai tiêm từ cuối năm 2021 rồi.
Thai phụ khi mang thai là một trong những đối tượng dễ mắc Covid-19, khi nhiễm bệnh nguy cơ cao nhập viện cấp cứu và hồi sức. Chính vì thế, Bộ Y tế Việt Nam cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả phụ nữ có ý định mang thai hoặc đang mang thai cũng nên tiêm ngừa đầy đủ vaccine phòng Covid-19.
Ngoài việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, việc tiêm ngừa mũi 3 đã có khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vì mọi người cũng biết vaccine tạo ra kháng thể, tuy nhiên theo thời gian, lượng kháng thể này sẽ giảm dần. Trong khi đó, Covid-19 lại xuất hiện thêm nhiều biến chủng khác nữa, nếu trường hợp mình không tiêm phòng mũi 3 – mũi tiêm nhắc lại thì hiệu lực kháng thể của mình sẽ giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy sẽ có nhiều nguy cơ nhiễm Covid-19 hơn, mặc dù mình đã tiêm được 2 mũi trước đó. Thành ra, theo ý tôi bạn vẫn nên tiêm tiếp mũi Covid-19 mũi 3 mặc dù bạn đã tiêm 2 mũi trước đó rồi, và mũi 3 phải tiêm theo khuyến cáo là cách mũi 2 sau 3 tháng.
Cho cháu hỏi, mẹ bầu bị nhiễm Covid-19 thì nên làm gì?
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Mẹ bầu bị nhiễm Covid-19 cũng sẽ phải theo dõi tất cả triệu chứng như một người bình thường nhiễm Covid-19. Ví dụ như cần theo dõi triệu chứng sốt có quá cao hay không, có những triệu chứng khác đi kèm hay không như ho, sổ mũi, khó thở, đau ngực; hoặc là những triệu chứng riêng của mẹ bầu như là có khởi phát chuyển dạ sinh non hay không, có đau bụng, ra huyết, ra nước hoặc là cử động thai có giảm đi hay không…? Do đó, đây là sự phối hợp giữa theo dõi một người nhiễm Covid-19 bình thường và một thai phụ theo dõi thai kỳ bình thường. Bạn sẽ cần điều trị triệu chứng, ví dụ như bạn có sốt thì bạn cần thuốc giảm sốt Paracetamol chẳng hạn. Bạn nên uống nhiều nước, giữ thoáng cơ thể, giữ thông thoáng nhà cửa, dĩ nhiên là sử dụng các biện pháp cách ly như người bình thường nhiễm Covid-19.
Thai phụ không thể uống thuốc kháng virus Covid-19 như người bình thường, do đó cần theo dõi kỹ các triệu chứng trở nặng của Covid-19.
Lần đầu mang thai, em bị tiền sản giật ở tuần thứ 26, đến tuần 33 thì em bị tiểu đường thai kỳ, bé bị sinh non ở tuần 34. Ở lần mang thai thứ hai này thì em cần phòng ngừa những gì và theo dõi như thế nào để có một thai kỳ bình thường?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Đối với lần mang thai này, chắc chắn đối với người phụ nữ từng có tiền sử tiền sản giật thì theo các khuyến cáo hiện tại bạn thuộc nhóm nguy cơ cao. Do đó, trước tuần 16 thai kỳ, bác sĩ sẽ đề nghị, đề xuất và trao đổi với mình về cách sử dụng các biện pháp dược lý để dự phòng tình trạng tiền sản giật.
Ví dụ như hiện nay ở những thai phụ có nguy cơ cao, khi chúng ta làm xét nghiệm tầm soát tiền sản giật, hoặc người đó thuộc nhóm nguy cơ cao theo khuyến cáo của một số hướng dẫn quốc tế hiện nay thì mình sẽ uống viên Aspirin 81mg vào mỗi buổi tối, uống làm sao trước tuần lễ thứ 16 đã phải bắt đầu, uống dài dài đến 36 tuần. Người ta nhận thấy rằng có thể làm giảm hơn 50% các nguy cơ tiền sản giật. Đó là ý đầu tiên tôi muốn nói về dự phòng tiền sản giật, bởi nếu xảy ra tiền sản giật nặng thì chắc chắn thai kỳ không thể nào kéo dài hơn được. Nếu đến 34 tuần đối với tiền sản giật nặng, chúng ta phải đưa thai ra ngoài thì mới có thể cải thiện được tình trạng tiền sản giật nặng của mẹ.
Đối với tiền sử đái tháo đường thai kỳ, ở lần mang thai này chúng ta phải làm tầm soát, thậm chí có thể làm sớm hơn so với quy định ban đầu. Ví dụ như chúng ta tầm soát trong 3 tháng đầu để có thể can thiệp kịp thời tình trạng rối loạn chuyển hóa đường, hoặc đái tháo đường thai kỳ có diễn tiến ra đái tháo đường thực sự hay chăng thì mình cần làm trong 3 tháng đầu thai kỳ chứ không đợi đến 3 tháng giữa mới làm xét nghiệm này.
Em có đi khám thai ở tuần thứ 6 thì có ra một ít máu, bác sĩ kết luận bánh nhau bám thấp. Bác sĩ cho em hỏi bánh nhau bám thấp có ảnh hưởng đến em bé hay không và có thể về đúng vị trí của bé hay không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Với thông tin bạn cung cấp, tôi hơi thắc mắc một xíu vì ở tuổi thai 6 tuần là mình chưa thấy được bánh nhau thì mình chưa thể mô tả được là bánh nhau bám thấp. Thông thường bánh nhau sẽ xuất hiện ở tuần thứ 10 trở đi mới có thể thấy rõ bánh nhau bám như thế nào. Có thể bạn đang hiểu nhầm bánh nhau bám thấp này thực ra là túi thai bám thấp trong lòng tử cung.
Ở trường hợp túi thai bám thấp ở trong lòng tử cung ở tuổi thai sớm như này, trong quá trình túi thai bám vào lòng tử cung vẫn có thể gây ra tình trạng xuất huyết chút ít, chỉ thỉnh thoảng thôi chứ không nhiều. Những trường hợp này mình chỉ cần theo dõi, hoặc bác sĩ thăm khám cho bạn đã đánh giá không kèm các yếu tố nguy cơ khác như đây là lần mang thai con đầu lòng hay lần mang thai thứ hai, có tiền sử gì ở những lần mang thai trước hay không như tiền sử sảy thai, mổ lấy thai trước đó hay không… cần được mô tả rõ hơn trong siêu âm xem có tương quan giữa vết mổ cũ với túi thai này là như thế nào, dựa vào đó mình mới có thể tiên lượng túi thai này giữ được hay không giữ được.
Nếu có cơ hội mong bạn đến với chúng tôi để được thăm khám và đánh giá lại chính xác túi thai này như thế nào ngoài việc gây ra máu ít còn có yếu tố nguy cơ nào khác hay không.
Bác sĩ cho em hỏi thai IVF nên cố gắng sinh thường hay chủ động mổ lấy thai?
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Chúng ta biết rằng thai IVF sẽ rất khó khăn khi có thai, chúng ta phải bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc thì mới có được một thai IVF. Hầu như với những công sức bỏ ra mọi người luôn sợ hãi cho đến cuối thai kỳ, do đó các bạn có xu hướng sợ đau, sợ mọi thứ trong chuyển dạ nên xin mổ lấy thai để chủ động và an toàn.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng giữa sinh thường và sinh mổ thì lúc nào sinh thường cũng tốt hơn cho cả hai mẹ con: sự phục hồi sau sinh cũng nhanh hơn sự phục hồi sau mổ; tỷ lệ biến chứng trên con như nằm khoa hồi sức tích cực cho bé NICU ở sản phụ sinh thường vẫn ít hơn sản phụ sinh mổ, cũng như sự hồi phục dịch ở trong phế nang phổi của em bé sinh thường cũng ít hơn hẳn so với sinh mổ. Do đó, nếu không có chỉ định gì về mặt y khoa sinh mổ thì chúng ta vẫn nên sinh thường.
Tại BVĐK Tâm Anh, khi các bạn sinh thường các bạn sẽ được hỗ trợ mọi thứ. Ví dụ như nếu các bạn sợ đau, chúng tôi có hỗ trợ giảm đau sản khoa giúp các bạn thoải mái khi đi sinh. Chúng tôi có những phương tiện theo dõi sức khỏe em bé trong chuyển dạ rất là hiện đại để có thể theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và em bé trong chuyển dạ, phát hiện những nguy hiểm nhất để quyết định thời điểm này chúng ta nên theo dõi tiếp hay mổ lấy thai cho an toàn.
Như vậy, nếu thai IVF không có chỉ định chuyên môn để mổ lấy thai thì chúng tôi vẫn khuyên bạn nên sinh thường. Chúng tôi có đủ các phương tiện theo dõi để đem đến sự an toàn nhất cho cả hai mẹ con.
Vợ em mang thai được 24 tuần nhưng dưới chân ngực bị đau, khi nhấn nhẹ vào cũng đau dữ dội ạ. Bác sĩ cho em hỏi vợ chồng em nên làm gì?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Bà xã bạn tuổi thai 24 tuần, lúc ấn vào chân ngực thấy đau thì bạn nên đưa vợ đến bệnh viện để khám xem đây là vấn đề gì. Đối với thai 24 tuần thai nằm thấp ở dưới, chưa lên được trên ổ bụng vì vậy việc đau này không liên quan đến phần tử cung đang có thai của mình. Vì vậy bác sĩ phải nhìn, sờ và hỏi thêm về thai phụ để nhận xét vấn đề.
Thi thoảng chúng ta có đau dây thần kinh liên sườn có thể đau một cách mơ hồ, cảm giác khó chịu và không tìm thấy nguyên nhân. Bác sĩ có thể cho một số thuốc giảm đau nếu đáp ứng được nhưng trước đó phải xem và khám kỹ.
Em mang thai tuần 37 bị ra khí hư màu xanh ngứa rát rất khó chịu và có mùi chua, em đi khám bác sĩ nói bị viêm nhưng không cho thuốc đặt, em sợ để vậy sinh con ra liệu có bị ảnh hưởng đến bé hay không?
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân: Việc mang thai ở những tháng cuối thai kỳ thì dịch tiết âm đạo rất nhiều, với môi trường ẩm ướt thì dễ bội nhiễm vi khuẩn và nấm âm đạo. Nếu bạn có những dấu hiệu kể trên thì khi đi khám thai nên khai với bác sĩ khám thai, bác sĩ có thể lấy huyết âm đạo để làm xét nghiệm vi khuẩn nhuộm soi tìm xem trong dịch huyết có nấm hay vi khuẩn đó là gì.
Khuyến cáo cho thai kỳ tháng cuối từ thai kỳ 36 tuần sẽ được làm xét nghiệm Streptococcus nhóm B vì đây là vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng sơ sinh khi chuyển dạ. Với tình trạng của bạn nên làm các xét nghiệm trên để tùy theo kết quả có thể điều trị, nguy cơ nhiễm trùng ối khi vào chuyển dạ, cũng như nguy cơ nhiễm trùng hậu sản sau đó.
Mang thai mà em bị nghén quá nặng, khiến em sợ mùi và chóng mặt thì phải làm sao?
BS.CKI Trần Lâm Khoa: Nghén là một triệu chứng khá thường gặp khi chúng ta mang thai. Thông thường, nghén sẽ xảy ra trong 3 tháng đầu, đó là do phản ứng của cơ thể. Thật ra, cái thai cũng là một vật thể lạ đối với cơ thể của người mẹ, vì vậy mẹ phải tập làm quen có một vật thể lạ bên trong cơ thể mình. Cơ thể lúc đó sẽ tiết ra một số nội tiết tố của thai kỳ làm cho chúng ta có nhiều biểu hiện gọi chung là nghén.
Có một số bà bầu sẽ trở nên nhạy cảm với một số mùi, một số bà bầu lại không ăn được gì vì ăn vào là ói hết… Trong trường hợp bạn bị nghén mà bị sụt cân rất nhiều, hoặc bạn ói tất cả những cái gì bạn đưa vào miệng, hoặc bạn có dấu hiệu mất nước bởi vì bạn không uống được gì cả… Những trường hợp nặng như vậy, bạn sẽ phải nhập viện để chúng tôi hoàn lại nước, điện giải cũng như là có một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Đồng thời chúng ta sẽ phải tìm những nguyên nhân khác ngoài những cái chúng ta chưa thích nghi được việc có em bé trong cơ thể chúng ta. Ví dụ như bạn bị cường giáp bạn cũng sẽ có những triệu chứng như vậy hoặc đó là những cái thai bất thường; trong trường hợp thai trứng, bạn cũng sẽ bị nghén rất nặng.
Trong những trường hợp còn lại, có nghĩa là bạn không có những bệnh lý gì thực thể để gây ra những triệu chứng nghén nặng như vậy, hoặc cái nghén này chưa ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bạn, thì chúng ta phải bổ sung thêm. Đầu tiên là thay đổi chế độ ăn, bạn có thể ăn thêm cái gì dễ tiêu, bạn có thể ăn thêm gừng chẳng hạn, bạn có thể xắt lát mỏng hoặc bạn có thể giã ra rồi pha với nước uống, nhấm nhá một chút nước có vị gừng như vậy cũng khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Bạn chia nhỏ các bữa nước ra, uống từng ngụm từng ngụm nhỏ thôi, ăn những thức ăn dễ tiêu không quá nhiều dầu mỡ. Đặc biệt những thức ăn có quá nhiều gia vị, bạn cũng không nên ăn vào thời điểm này vì rất dễ gây nôn.
Nếu sau khi đã thay đổi chế độ ăn mà tình trạng của bạn vẫn không cải thiện, chúng tôi sẽ có những loại thuốc mà khi bạn uống vào sẽ làm giảm triệu chứng nghén. Tuy nhiên, thuốc này sẽ được Cục Dược phẩm quản lý và được chứng minh là an toàn cho thai kỳ.
Hiện em đang mang thai tuần thứ 19 sắp sang 20 thì phát hiện con bị tim bẩm sinh fallot 4. Em có làm Double Test kết quả nguy cơ thấp, độ mờ da gáy lúc 12 tuần là 0.9, họ hàng 2 bên không ai bị tim bẩm sinh. Bác sĩ có tư vấn em chọc ối nhưng em đang suy nghĩ thêm, vì em đã quyết định sinh cháu và can thiệp sau sinh. Cho em hỏi từ giờ đến lúc sinh em phải chú ý những gì? Thai nhi có phát triển bình thường như các bạn khác về cân nặng không? Nếu sinh tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thì bé sẽ được chăm sóc như thế nào?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Chào bạn, đây là một tình huống mà chúng tôi cũng đã gặp rất là nhiều trong một năm qua khi BVĐK Tâm Anh TP.HCM đi vào hoạt động. Thật ra, tứ chứng Fallot không phải là một bệnh tim hiếm gặp hiện nay, và với tiến bộ của khoa học hiện tại, bệnh tứ chứng fallot đã được điều trị rất là thành công và có nhiều em bé đã được cứu sống sau khi trải qua phẫu thuật có liên quan tới điều chỉnh một số bất thường hội lại mà chúng ta gọi là tứ chứng Fallot.
Nếu chúng ta đã quyết định giữ em bé này lại để sanh thì về mặt khám thai, quản lý thai kỳ thì bạn vẫn đi khám thai giống như tất cả chị em phụ nữ và chúng ta sẽ được một bác sĩ về tim mạch siêu âm, theo dõi định kỳ tình trạng tim của em bé. Ngay tại thời điểm chuyển dạ sinh hay phải mổ lấy thai, các bác sĩ sơ sinh sẽ đón bé và sẽ đánh giá tình trạng thích nghi của bé về mặt tim mạch khi cháu bé chào đời.
Tim trong giai đoạn bào thai khác, khi sinh ra ngoài tình trạng tim sẽ khác, là một con người ở bên ngoài, do đó các bác sĩ sơ sinh sẽ đánh giá ở giai đoạn đầu về sự thay đổi này để xem có can thiệp gì hay không hay xử lý ở một thời điểm em bé có đầy đủ cân nặng theo đúng nhà phẫu thuật tim quy định.
Các bác sĩ tim mạch sẽ phải siêu âm tim, đánh giá lại chính xác hơn có thật sự là tứ chứng Fallot hay có đi kèm thêm những bất thường khác hay là một bất thường khác không phải tứ chứng Fallot. Việc quản lý thai kỳ sẽ bình thường như những phụ nữ mang thai khác, thai nhi vẫn phát triển bình thường.
Chúng ta không quá quan ngại những bất thường khi em bé trong bào thai có bệnh tim. Chỉ khi em bé chào đời sẽ trải qua những giai đoạn có thể khó khăn ở những thời điểm theo quy định, đủ điều kiện các bác sĩ sẽ phẫu thuật để phục hồi lại các bất thường ở trên tim mà chúng ta gọi là tứ chứng Fallot.
Hệ thống BVĐK Tâm Anh có nhóm các chuyên khoa để can thiệp hỗ trợ lẫn nhau cho những tình huống như thế này. Ví dụ, bác sĩ Sản khoa sẽ quản lý thai kỳ đến thời điểm em bé chào đời, và trong quá trình quản lý thai kỳ như vậy thì các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh theo dõi sự phát triển toàn diện của thai. Đặc biệt, các bác sĩ siêu âm về tim thai sẽ quản lý và theo dõi kỹ những thay đổi bất thường của tim thai có gì khác hơn hay không. Ngay tại thời điểm bé chào đời thì ekip các bác sĩ Sơ sinh sẽ hỗ trợ em bé ngay những giây phút đầu tiên lọt lòng mẹ, các bác sĩ Tim mạch cũng sẽ có mặt để khảo sát tình trạng tim mạch của em bé. Và cuối cùng chúng tôi sẽ có những quyết định hội chẩn là bé can thiệp như thế nào, tại thời điểm nào và như thế nào là tối ưu nhất cho em bé.
Comments are closed.