Khám amidal phát hiện dạng sốt xuất huyết Dengue dấu hiệu cảnh báo
Người bệnh đến khám amidal nhưng kết quả xét nghiệm máu ghi nhận giảm tiểu cầu, tăng men gan. Sau thăm khám, theo dõi, người bệnh được chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo.
Người bệnh suy giảm tiểu cầu
Anh Nguyễn Hoàng Long (29 tuổi, ở TP HCM) có tiền căn sưng phù nề amidal nhiều năm nay nên đến khám BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng chỉ định xét nghiệm tổng quát trước khi lên lịch trình phẫu thuật cắt amidal. Tuy nhiên, xét nghiệm máu kiểm tra thì phát hiện men gan cao. Anh được hẹn điều trị ngoại trú tình trạng tăng men gan, để ổn định mới tiến hành phẫu thuật cắt bỏ Amidal đươc an toàn.
Trong quá trình theo dõi uống thuốc hỗ trợ gan, người bệnh lại có biểu hiện sốt cao, đau nhức cơ, mệt mỏi nhiều. Nghĩ tưởng cũng như những lần viêm họng – amydal khác, anh tự uống thuốc tại nhà.
Đến khi sốt ngày thứ 4, sức khỏe giảm sút nhanh chóng, người mệt nhiều, ăn uống không ngon miệng lại ói nhiều lần, chóng mặt, người bệnh đến cấp cứu BVĐK Tâm Anh TP. HCM.
Tiếp cận trường hợp của anh Long tại Khoa Cấp cứu, BS Lê Thị Minh Thi nghi ngờ anh Long có thể bị sốt do nguyên nhân khác ngoài viêm amydal mạn tính, bác sĩ cho kiểm tra máu lại, xét nghiệm marker sốt xuất huyết Dengue, thử lại chức năng gan thận, và siêu âm bụng kiểm tra.
Kết quả cho thấy chỉ số tiểu cầu trong máu giảm thấp (còn 67.000 tế bào/micro – chỉ số bình thường là từ 150.000 đến 400.000/ micro), test nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết Dengue dương tính (NS1 Dengue antigen). Men gan tăng cao hơn so với kết quả kiểm tra tổng quát lần trước. Kết quả siêu âm bụng thì ghi nhận gan sung huyết, thành túi mật dày. Tình trạng gan sung huyết do bệnh làm cho anh Long ăn uống kém, ói liên tục khi ăn.
Với kết quả này, anh Long đã bị sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4 có dấu hiệu cảnh báo, đang trong giai đoạn diễn tiến nặng của bệnh (thường từ ngày 3 đến ngày 7 của bệnh), cần phải theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Anh Long được nhập viện ngay sau đó.
- Người bệnh được truyền dịch, theo dõi biến chứng sốt xuất huyết. Ảnh: TN
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Tiểu cầu giảm và men gan tăng là đặc điểm thường gặp của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Thường chỉ số giảm dưới 100.000/ microlit. Nếu chỉ số tiểu cầu tiếp tục giảm xuống 50.000 tế bào/micro lít sẽ dễ gây những triệu chứng xuất huyết như: chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết nội tạng… Những biến chứng nguy hiểm khác bao gồm cơ thể chảy máu tự phát bên ngoài, chảy máu bên trong và chảy máu dưới da. Vi rút Dengue cũng tấn công tế bào gan, làm tổn thương hoại tử tế bào gan, gan to sung huyết, túi mật dày, biểu hiện bằng những triệu chứng tiêu hóa rầm rộ như ói, đau bụng, ăn không ngon miệng,…
Anh Long nhập viện tại Khoa Nội tổng hợp, được tiếp tục theo dõi sát tình trạng tiểu cầu những ngày sau đó. Chỉ số tiểu cầu giảm thêm trong 2 ngày kế tiếp, thấp nhất là 38000/ mm3 sau đó phục hồi dần. Người bệnh giảm ói, ăn ngon miệng, khỏe dần và xuất viện.
Nhờ chẩn đoán và theo dõi điều trị sớm bệnh sốt xuất huyết Dengue nên người bệnh được kịp thời điều trị, chỉ số tiểu cầu, men gan cải thiện, bệnh nhân ổn định, và được xuất viện sau đó.
Người lớn cẩn thận với sốt xuất huyết Dengue
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cảnh báo, trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021(7.039 ca). Trong đó, số ca sốt xuất huyết Dengue nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Tổng ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 7 trường hợp.
Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, nhiều bệnh nhân người lớn bị sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện cấp cứu. Cụ thể, từ đầu tháng 5/2022 đến nay đã có 68 ca bị sốt xuất huyết nhưng chỉ có 9 ca trẻ em. Nhiều trường hợp có biểu hiện sốt cao không giảm sau 2 – 3 ngày, chỉ số xét nghiệm tiểu cầu giảm.
Bác sĩ Hồng Văn In, Phó khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP HCM khuyến cáo: Vi rút sốt xuất huyết có đến 4 chủng huyết thanh gây bệnh. Điều này có nghĩa một người có thể bị sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời. Thế nhưng, nhiều người chủ quan nghĩ lúc nhỏ bị sốt xuất huyết sẽ không bị lại. Như trường hợp của anh Long, vì sốt cao nhưng tưởng do viêm amidal hành nên uống thuốc hạ sốt liên tục, nhưng hết thuốc thì sốt tái diễn, lên tới 39-40 độ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng men gan tăng cao ở người bệnh sốt xuất huyết.
Người lớn bị sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn trẻ em, đặc biệt là người có bệnh nền, thừa cân béo phì. Người lớn bị sốt xuất huyết dễ chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy gan, suy thận, trụy tim mạch; riêng ở phụ nữ có thể bị xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt khiến nhiều chị em lầm tưởng với các bệnh về phụ khoa.
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn cũng có biểu hiện gần giống trẻ nhỏ. Do đó khi bị sốt xuất huyết hãy đến ngay bệnh viện. Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao, có khi trên 40 độ C, đau vùng phía sau mắt, đau đầu, phát ban, đau cơ và khớp, có thể buồn nôn và nôn mửa,… Thậm chí, người bệnh có thể bị chảy máu đường tiêu hóa, ra máu khi đi đại tiện, phân đen hoặc xuất hiện các chấm xuất huyết trên da, người mệt mỏi. Nếu không may, người bệnh có thể rơi vào xuất huyết não sẽ khó nhận biết hơn, người bệnh đau đầu, sốt, liệt nửa người, sau đó hôn mê và tử vong.
Bác sĩ Lê Thị Minh Thi chia sẻ, xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh sốt xuất huyết hiện nay có 02 loại bao gồm: Xét nghiệm NS1 Dengue (xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue); xét nghiệm kháng thể (IgM và IgG Dengue). Để hạn chế những hậu quả do sốt xuất huyết gây ra, bác sĩ Thi khuyến cáo người bệnh nên đi khám khi sốt cao liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm để phát hiện sớm bệnh và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
Như trường hợp của bệnh nhân Long, nhờ khám kịp thời nên phát hiện người bệnh tăng men gan cao và giảm tiểu cầu nặng. Và khoảng 65% người bệnh sốt xuất huyết Dengue có tình trạng tăng men gan. Tình trạng tăng men gan diễn biến từ nhẹ đến nặng và có thể liên quan đến số lượng vi rút Dengue trong cơ thể. Trong một số trường hợp men gan có thể tăng lên gấp 20-30 lần. Nếu không kịp điều trị, người bệnh sẽ tổn thương tế bào gan, hoại tử tế bào gan, gia tăng các yếu tố viêm (như Interleukin 2) được giải phóng vào gan và gây phản ứng miễn dịch trong cơ thể. Việc điều trị có khi phải thay huyết tương, thực hiện lọc máu.
Công dụng Bảo Nhĩ Vương hỗ trợ cải thiện thính lực & giảm ù tai. Dùng cho người bị suy giảm thính lực với các biểu hiện: Nghe kém, nghễnh ngãng & ù tai.
Comments are closed.