Nhìn mờ – Nguy cơ mất hẳn thị lực đã rất gần

Chỉ nhìn bằng mắt trái

Mấy tháng nay, mắt phải mỗi ngày mờ dần nên bà Nguyễn Thu Hiền (60 tuổi, TP.HCM) chỉ nhìn bằng mắt trái. Bà hối hận vì lúc mắt hơi mờ, bà chủ quan không đi khám ngay. Người bệnh có tiền sử bị tiểu đường, bị cườm khô (đục thủy tinh thể) dạng đục nhân mức độ IV, nghĩa là tình trạng đục gần như hoàn toàn.

ThS.BS Phạm Huy Vũ Tùng – Chuyên khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã đo nhãn áp, quan sát từng tổn thương nhỏ và cấu trúc của mắt cho người bệnh thông qua thiết bị đèn khe với cấu tạo giống kính hiển vi.

Theo bác sĩ Tùng, đục thủy tinh thể là tình trạng rối loạn thị lực do cấu trúc protein của thủy tinh thể bị thay đổi dưới tác động của các chất gây hại sinh ra từ bên trong cơ thể hoặc từ môi trường bên ngoài. Cấu trúc protein bị xáo trộn làm thay đổi độ cong, độ trong, độ đàn hồi và độ dày của thủy tinh thể, khiến thủy tinh thể mờ đục. Từ đó cản trở, không cho ánh sáng đi qua, gây suy giảm thị lực, thậm chí gây biến chứng mất hẳn thị lực nếu tình trạng kéo dài.

Đục thủy tinh thể được chia thành 3 loại, bao gồm: đục nhân (xảy ra khi tình trạng xơ cứng và chuyển màu vàng của nhân thủy tinh thể vượt mức ở vùng trung tâm); đục vỏ (dạng này có thể to ra và nhập vào nhau tạo thành các vùng đục vỏ lớn hơn. Khi toàn bộ vỏ từ bao tới nhân trở thành đục trắng gọi là đục chín, có thể xảy ra ở hai mắt và thường không cân xứng); đục bao (là vết đục nhỏ ở biểu mô và bao trước thể thủy tinh nhưng không gây ảnh hưởng đến lớp vỏ). Về phân loại mức độ bệnh, bệnh đục thể thủy tinh được chia thành 5 mức độ.

Bác sĩ Tùng cho hay, dù là thủy tinh thể bị đục loại nào (trừ chấn thương) thì về cơ bản, tình trạng đục thường là do cấu trúc và tỉ lệ các phân tử protein bị biến đổi, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, cản ánh sáng đến võng mạc và gây giảm thị lực.

Trường hợp của bà Hiền, không chỉ rơi vào mức độ gần như cao nhất của tình trạng đục thủy tinh thể, bà còn có bệnh nền đái tháo đường. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý nguy hiểm về mắt. Người bệnh đã được chỉ định mổ cườm trước, do đó cần sớm điều trị bệnh đái tháo đường thật tốt và nhanh chóng thực hiện phẫu thuật để giữ lại thị lực cho mình, bên cạnh đó giúp bác sĩ có thể quan sát được đáy mắt rõ ràng, kiểm tra tình trạng có biến chứng bệnh võng mạc đái tháo đường hay không. Sau khi khám mắt xong, người bệnh được khuyên khám thêm tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

Cảnh giác biến chứng mắt nguy hiểm ở người đái tháo đường

Tiếp nhận người bệnh từ sau khi khám mắt, ThS.BS Trần Nguyễn Quỳnh Trâm – Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM nhận định: tình trạng nhìn mờ này có khả năng do biến chứng bệnh đái tháo đường gây ra. Người bệnh không chỉ có bệnh đái tháo đường lâu năm mà còn có tình trạng huyết áp cao.

Sau khi chuyên khoa Mắt và khoa Nội tiết – Đái tháo đường phối hợp điều trị song song bệnh đục thủy tinh thể với tiểu đường nên tình trạng mắt của bệnh nhân dần cải thiện, mắt trái nhìn rõ hơn và đang tiếp tục theo dõi.

Theo bác sĩ Tùng, với trường hợp của bà Hiền, nếu không điều trị kịp thời có thể phát sinh biến chứng phù hoàng điểm, tân mạch gây xuất huyết, hay bong võng mạc. Do đó, người bệnh cần nhanh chóng thực hiện phẫu thuật mổ cườm mắt để có được những lợi ích cụ thể, giúp mắt nhìn rõ hơn, tránh biến chứng từ cườm khô thành cườm nước. Đặc biệt, sau khi mổ cườm khô, bác sĩ có thể thăm khám đáy mắt để phát hiện những biến chứng mắt của đái tháo đường. Lý do, muốn khám đáy mắt thì thủy tinh thể không quá đục hoặc trong suốt là tốt nhất. Điều này giúp bác sĩ quan sát kỹ đáy mắt hoặc cần điều trị laser đáy mắt.

Bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm cảnh tỉnh, từ đầu năm đến nay, khoa Nội tiết – Đái Tháo đường ghi nhận khoảng 10-30% bệnh nhân đến khám tại chuyên khoa bị biến chứng ở mắt. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người đái tháo đường.

Biến chứng mắt là một trong những biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường, là hậu quả của những tổn thương do đường huyết tăng cao và diễn ra trong thời gian dài. Khi đường huyết tăng cao, các mạch máu nhỏ tại mắt dễ bị tắc nghẽn hoặc vỡ trong lòng mắt, cùng với đó là sự thay đổi về lượng thủy dịch. Sự kết hợp này gây ra các vấn đề về mắt của người bệnh tiểu đường.

Biến chứng mắt có nhiều giai đoạn, nếu phát hiện và can thiệp sớm sẽ duy trì được tình trạng thị lực. Vì vậy, bất cứ ai cũng nên đi khám mắt định kỳ. Đối với người bệnh tiểu đường, để phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần duy trì khám định kỳ, 3, 6 tháng hay 1 năm tùy vào tình trạng bệnh lý.

So với người bình thường, người bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh về mắt hơn như các bệnh lý võng mạc đái tháo đường, đục thủy tinh thể, cườm nước… Đặc biệt, biến chứng mắt ở người bệnh đái tháo đường thường diễn ra âm thầm nên dễ bị nhầm lẫn với tình trạng mờ mắt do tuổi tác, nhất là ở những người mắc bệnh tiểu đường khi tuổi đã cao. Khi người bệnh xuất hiện tình trạng mờ mắt hay những biểu hiện liên quan đến tầm nhìn, thị lực thì đồng nghĩa với việc mắt đã rơi vào tình trạng biến chứng nặng, nguy cơ mất hẳn thị lực rất dễ xảy ra.

Công dụng Bảo Nhĩ Vương hỗ trợ cải thiện thính lực & giảm ù tai. Dùng cho người bị suy giảm thính lực với các biểu hiện: Nghe kém, nghễnh ngãng & ù tai.

Comments are closed.