Mỗi ngày giảm bớt 1 giờ ngồi, vận động 21,5 phút để tránh tiểu đường
Nghiên cứu của Đại học Turku (Phần Lan) cho thấy, giảm thời gian vận động mỗi ngày có thể “kích thích” các yếu tố gây bệnh tiểu đường type 2.
Sức khỏe cải thiện trong 3 tháng
Thạc sĩ bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ: Tiểu đường tuýp 2 và tim mạch là những bệnh mạn tính phổ biến toàn cầu. Chính tình trạng thừa cân do lười vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh và các rối loạn chuyển hóa liên quan tới bệnh… là nguyên nhân chính khiến các bệnh này có nguy cơ gia tăng.
Trong một nghiên cứu của Trung tâm PET Turku và Viện UKK (Phần Lan), các nhà nghiên cứu đã ghi nhận: Nếu giảm bớt thời gian ngồi 1 giờ mỗi ngày và vận động 2,5 giờ mỗi tuần và đều đặn trong khoảng 3 tháng sẽ cải thiện sức khỏe. Đối tượng tham gia nghiên cứu là những người trưởng thành trong độ tuổi lao động có đặc điểm chung là ít vận động, đối diện nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.
Từ các đối tượng tham gia nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phân ra làm 2 nhóm: Nhóm can thiệp, được yêu cầu giảm thời gian ngồi ít nhất 1 giờ mỗi ngày, thay vì ngồi thì những người này dành thời gian đứng nhiều hơn. Đồng thời, người tham gia phải tăng cường hoạt động thể chất ở cường độ nhẹ. Nhóm thứ hai là nhóm đối chứng, được yêu cầu vẫn duy trì thói quen cũ cùng lối sống ít vận động.
“Điều làm cho nghiên cứu này trở nên độc đáo hơn so với các nghiên cứu trước đó là thời gian ít vận động và hoạt động thể chất của cả 2 nhóm được đo bằng cảm biến gia tốc (Accelerometer) trong suốt 3 tháng. Trong khi các nghiên cứu trước đó chỉ đo hoạt động trong những ngày đầu và cuối của nghiên cứu”, tiến sĩ Taru Garthwaite, Đại học Turku (Phần Lan) thông tin.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu giảm thời gian ngồi yên một chỗ – trung bình 50 phút cho nhóm người được can thiệp. Với thời gian 50 phút này, người được can thiệp sẽ hoạt động thể chất ở cường độ nhẹ và trung bình. Sau 3 tháng quan sát, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy những thay đổi tích cực trong việc cải thiện sức khỏe, bao gồm: Lượng đường trong máu, độ nhạy insulin và sức khỏe gan trong nhóm can thiệp.
Những lợi ích từ việc thay đổi thói quen ít vận động
Tiến sĩ Garthwaite bày tỏ: Giảm thời gian ngồi cũng làm chậm sự phát triển của tim mạch và tiểu đường. Nhưng nếu vừa khắc phục việc hạn chế ngồi yên và tăng cường vận động càng giảm nguy cơ mắc bệnh hơn. Thế nhưng, điều đáng buồn có rất nhiều người trưởng thành không thể dành ra 2,5 giờ tập thể dục mỗi tuần như khuyến nghị.
Bước tiếp theo của nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ tiến hành thử nghiệm tiếp giai đoạn 6 tháng để theo dõi về những thay đổi trong hoạt động hàng ngày và thời gian ít vận động ảnh hưởng như thế nào đến quá trình chuyển hóa năng lượng và bộ phận cơ thể, ngoài các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường và tim mạch.
Bác sĩ Trâm cảnh tỉnh: Việc ít vận động và ngồi quá nhiều là nguyên nhân phát sinh nhiều bệnh, trong đó có tiểu đường và tim mạch. Ngược lại, tăng cường hoạt động thể chất, giảm bớt thời gian ngồi một chỗ, ăn uống lành mạnh,… không chỉ tránh được tiểu đường mà còn ngăn những bệnh do lối sống ít vận động gây ra như béo phì….
Những môn vận động phù hợp có thể giúp phòng và ngăn bệnh tiến triển như đi bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu, yoga, bơi lội,… Ngoài ra, với người đã mắc tiểu đường cần để ý bổ sung nước đầy đủ vào thời điểm trước, trong và sau khi tập. Người bệnh cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
Khi bắt đầu tập luyện, cần tập ở cường độ nhẹ rồi tăng dần. Bạn có thể tập luyện với cường độ thấp hơn khả năng một chút nhưng duy trì đều đặn thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả cho sức khỏe nhiều hơn so với việc hoạt động cường độ cao nhưng trong thời gian ngắn hạn.
Comments are closed.