Ứng dụng công nghệ thực tế ảo “Mắt thần” trong thay khớp nhân tạo
Ngày 18/3/2022, tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ thực tế ảo – “Mắt thần” được đưa vào quy trình Thay khớp gối. Đây là một công nghệ kỹ thuật cao bậc nhất thế giới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nâng cao hiệu quả và hiệu suất trong phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo, mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh Thoái hóa khớp gối đang ngày một nhiều không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Mắt thần (Navigation) Knee+ là thiết bị được sử dụng trong phẫu thuật tạo hình toàn bộ khớp gối. Thiết bị này giúp phẫu thuật viên định vị khớp nhân tạo dễ dàng hơn. Khi đó, các điểm giải phẫu của mặt cắt khớp gối sẽ được định vị và định hướng với các trục cơ học ở gối. Kính Knee+ sẽ phân tích các điểm đánh dấu cụ thể bằng mã phản hồi nhanh (QR-Code) tính toán chính xác tọa độ 3D và được quay lại bằng camera tích hợp. Thông tin điều hướng sẽ được hiển thị trong tầm nhìn của kính mà phẫu thuật viên đeo, nhờ cảm biến gia tốc.
Ưu điểm nổi bật của Mắt thần Knee+ trong phẫu thuật tạo hình toàn bộ khớp gối là căn chỉnh chính xác, cải thiện phạm vi chuyển động và định vị vị trí khớp nhân tạo thích hợp hơn nhờ vào đường mổ hoàn toàn chính xác. Kỹ thuật này còn có thể áp dụng cho các trường hợp phức tạp như bệnh nhân béo phì, người có độ cong bất thường ở xương đùi, người biến dạng ngoài khớp của xương đùi hoặc xương chày, biến dạng nặng ở khớp gối…
Theo Tiến sĩ Tăng Hà Nam Anh – Chủ tịch Hội nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. “Nếu như một ngày Phẫu thuật viên chỉ mổ khoảng 2 ca bệnh, họ đủ sức khỏe và sự tập trung thì những quyết định trong phẫu thuật không có sự khác biệt so với máy móc. Tuy nhiên thường một ngày tại các bệnh viện lớn, phẫu thuật viên phải xử lý từ 5 ca trở lên, thì tầm nhìn của con người cũng thiếu đi sự ổn định. Sự chính xác tuyệt đối của con người không thể bằng máy móc. Chính vì thế, “Mắt thần” sẽ giải quyết các vấn đề đó, đảm bảo các yếu tố định vị và chỉ định cắt đều chính xác tuyệt đối, không có sai sót… với từng người bệnh vốn có những kích thước cơ thể và hệ thống xương khớp khác nhau”
Cách đây vài năm, xu hướng sử dụng robot trong phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình là một bước tiến vượt bậc trong Y khoa, và nhiều bệnh viện tại Việt Nam đã cập nhật công nghệ này. Tuy nhiên, một khó khăn của việc sử dụng robot là độ chính xác của máy móc vẫn phụ thuộc vào việc nhập thông số, vị trí nằm phẫu thuật của bệnh nhân… Với công nghệ mới thực tế ảo, được thiết kế nhỏ gọn như một cặp kính, đeo trực tiếp vào mắt Phẫu thuật viên, sẽ tạo ra được một không gian linh hoạt, do chính con người điều khiển tùy biến, làm chủ hoàn toàn các thao tác trong quá trình phẫu thuật.
Năm 2021, cũng tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình đã thiết kế và đặt sản xuất riêng khớp gối nhân tạo với kích thước phù hợp chính xác cho cá thể người Việt Nam (thay vì sử dụng các khớp gối nhân tạo sẵn có theo chuẩn châu Âu). Nay, với hệ thống Mắt thần Navigation, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh lại đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị để giúp các chuyên gia bác sĩ hàng đầu, nâng cao chất lượng chuyên môn, hiệu quả điều trị cao nhất; phù hợp với từng người bệnh Việt Nam ngay tại Việt Nam với chất lượng quốc tế. Với ứng dụng công nghệ này, cùng với trình độ của các chuyên gia Y tế Việt Nam, đang tạo một dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực và quốc tế trong lĩnh vực Nội soi khớp và Thay khớp, cũng theo lời Chủ tịch Hội nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam – Tăng Hà Nam Anh.
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh Thoái hóa khớp gối là do tuổi tác. Hầu hết mọi người khi lớn tuổi đều sẽ bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến khớp bị thoái hóa ở độ tuổi sớm hơn, đó là: Thừa cân – béo phì; Di truyền; Chấn thương và Vận động cường độ cao quá nhiều (như ở các vđv chuyên nghiệp…). Người bị thoái hóa khớp thường sẽ bị đau khi vận động, hạn chế trong sinh hoạt. Khi tình trạng thoái hóa ở giai đoạn 4, bắt buộc người bệnh phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.
Một nghiên cứu được tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao, khoảng 1/3 nam giới và phụ nữ Việt Nam trên 40 tuổi bị mắc bệnh.
Tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ở Việt Nam tăng theo độ tuổi và chỉ số khối cơ thể (BMI). Mỗi độ tuổi tăng thêm 5 năm có liên quan đến việc tăng 56% nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối và mỗi kg/cm2 (BMI) tăng có liên quan đến mức tăng 14% thoái hóa khớp gối. Khoảng 8,5% những người từ 40 đến 49 tuổi bị thoái hóa khớp gối, so với 30% từ 50 đến 59 tuổi và 61% trên 60 tuổi. (1)
Theo thống kê của WHO, tỉ lệ bị thoái hoá khớp gối chiếm khoảng 20% dân số. Tại Mỹ, ở độ tuổi trên 55, con số này lên tới 80%. (2)
Tỷ lệ thoái hóa khớp gối mắc cao hơn ở nữ so với nam (35,3% so với 31,2%). Phần lớn thoái hóa khớp gối ở dạng thoái hóa xương (32,3% ở nữ và 25,3% ở nam). Hẹp khe khớp gặp ở 24% phụ nữ và 19% nam giới. Không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thoái hóa khớp gối giữa gối trái và gối phải.
Tuổi cao có liên quan đến nguy cơ viêm khớp gối. Trong số những người từ 40 đến 49 tuổi, khoảng 8,5% bị thoái hóa khớp gối, và tỷ lệ này tăng lên 30% ở những người từ 50 đến 59 tuổi và 61% ở những người ≥60 tuổi. Hơn nữa, BMI cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối cao hơn, do đó những người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp gối cao hơn so với những người không béo phì. Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp gối ở những người có BMI ≥25 là 47,4%, cao hơn gấp hai lần so với nguy cơ ở những người có BMI <18,5 kg /m2.
Tình trạng đau và các triệu chứng thoái hóa khớp gối với phụ nữ xuất hiện thường xuyên hơn (62%) so với nam giới (59%). Phần lớn người bệnh bị đau khi đi lên cầu thang (42% phụ nữ và 20% nam giới), đau khi ngồi xổm (40% phụ nữ và 11% nam giới), và bệnh Crepitus (38% phụ nữ và 17%. của đàn ông). Đau xương chỉ được báo cáo ở 2,3% phụ nữ và ∼1% nam giới. (3)
Comments are closed.