Bí quyết khoa học điều trị hiếm muộn thành công
Quy trình nuôi phôi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phác đồ kích thích buồng trứng, bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân, xét nghiệm niêm mạc Era test,… đã giúp nhiều vợ chồng hiếm muộn lâu năm đã đón con yêu.
Cá thể hóa trong điều trị, tăng cơ hội có thai
Buồn và hoang mang vì nhiều lần có tin vui 2 vạch nhưng vẫn chưa đón được con, anh La Chí Hải (40 tuổi ở Bình Tân, TP.HCM) cho biết vợ anh năm nay 42 tuổi, 2 vợ chồng từng 5 lần có thai, nhưng mỗi lần đều đến tuần thứ 10 thì bị mất tim thai, cả 2 vợ chồng đều làm các xét nghiệm mà bác sĩ yêu cầu thì cho kết quả bình thường, vợ anh AMH thấp. Anh Hải lo lắng gửi trăn trở về với IVF TA, với tình trạng của vợ chồng anh chị thì nguyên nhân sảy thai sớm là gì và 2 vợ chồng còn có cơ hội có con hay không?
Chia sẻ những lo lắng với anh Hải, theo Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCM) tâm sự: Tôi hoàn toàn hiểu được cảm giác của anh chị. Đã có một chuyên gia tâm lý nói rằng, những người bị sảy thai hoặc thai lưu nhiều lần, áp lực tâm lý của họ còn nặng nề hơn những bệnh nhân không có thai được, nên tôi rất thông cảm với anh chị. Ở đây anh có chia sẻ mình đã làm rất nhiều xét nghiệm và có kết quả bình thường. Xét nghiệm về sảy thai thông thường sẽ có 2 nhóm xét nghiệm chính:
- Thứ nhất là xét nghiệm về di truyền;
- Thứ 2 là xét nghiệm cơ thể anh chị có bệnh lý hay có chất nào không ủng hộ cho thai kỳ hay không.
Tuy nhiên có đến gần 80% bệnh nhân bị sảy thai nhiều lần làm xét nghiệm cho kết quả mọi thứ bình thường. Giải pháp trong trường hợp này để góp phần làm giảm bớt tình trạng sảy thai là làm thụ tinh ống nghiệm và tiến hành sinh thiết phôi. Đưa ra giải pháp này là vì 90% các trường hợp sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ là do bất thường di truyền về phôi. Khi đó mình sẽ làm thụ tinh ống nghiệm, lấy trứng làm phôi, sau đó tiến hành sinh thiết phôi để chọn những phôi bình thường trước khi đưa vào trong tử cung.
Bên cạnh đó có thể làm thêm một số giải pháp để giúp tử cung tiếp nhận phôi tốt hơn, ví dụ bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân vào buồng tử cung. Trường hợp của vợ chồng anh thì vợ năm nay đã 42, bắt đầu được gọi là lớn tuổi. Ở độ tuổi càng lớn số lượng trứng càng giảm, do đó số lượng phôi tạo ra càng ít, nên tôi khuyên vợ chồng anh nên đi khám sớm để lên kế hoạch điều trị cho kịp thời.
Tại IVFTA-HCM, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp suy buồng trứng, ít trứng. Có những trường hợp chúng tôi áp dụng phác đồ tự nhiên, không hề tốn tiền thuốc, đó là nhặt từng cái trứng một trong từng chu kỳ. Và phác đồ thứ 2, là sử dụng phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ.
Hôm trước, tôi có kê cho bệnh nhân một đơn thuốc, chị ấy đi xuống nhà thuốc mua xong và thảng thốt hỏi lại tôi: “Bác Như ơi, bác Như có cho đơn thuốc nhầm không vì đơn thuốc chỉ có 62.000 đồng?”, tôi nói “Đúng rồi, em cứ uống như vậy là được”. Thật sự thì với phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ, thì chi phí cho việc bệnh nhân kích thích buồng trứng chưa đến 5 triệu. Đó là những thông tin tôi muốn gửi đến những cặp vợ chồng có khó khăn về kinh tế không may bị ít trứng sẽ có thể tự tin hơn trong điều trị.
Chia sẻ trong chương trình, ThS.BS Lê Đăng Khoa – Trưởng đơn vị Nam học Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM cảnh báo số bệnh nhân vô sinh nam ngày càng tăng. Những vấn đề thông thường mà chúng ta có thể nhận thấy được như thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, thói quen xấu trong sinh hoạt như ăn thức ăn nhanh, hút thuốc, uống rượu bia. Đặc biệt Việt Nam là nước nằm trong nhóm sử dụng rượu bia, thuốc lá cao, cùng với nhịp sống hiện đại khiến không ít nam giới không có những hoạt động tích cực như các bạn trẻ có những không gian mạng, internet ít vận động hơn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chung và sức khỏe sinh sản. Thêm nữa, suy nghĩ của các bạn trẻ ngày nay nghĩ thoáng hơn về việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và đó cũng có thể là yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật gần đây như công nghệ giải mã gen, người ta phát hiện ra 10-15% trường hợp bệnh nhân vô sinh nam có liên quan đến di truyền – điều mà trước đây được xem là vùng xám không thể lý giải.
Là một trong những người mẹ mong con nhiều năm, chị Nắng Mai (30 tuổi) cho biết, bản thân bị prolactin cao 977, tử cung có hình ảnh buồng trứng đa nang nhưng đi siêu âm canh trứng 2 tháng gần đây có trứng trội không còn hình ảnh đa nang nữa. Chồng chị bị tinh trùng hơi yếu, có hình thái bình thường là 2-3%. Chị lo lắng không biết còn cơ hội có con tự nhiên không.
Giải đáp thắc mắc của chị Nắng Mai, BS Ngô Đình Triệu Vỹ cho biết: “Hiện nay, có những kỹ thuật hỗ trợ rất tốt cho nam giới có tinh trùng yếu như ICSI. Tuy nhiên, khi bạn đến khám tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chúng tôi sẽ tiến hành làm xét nghiệm tinh dịch đồ một lần nữa để có phương án điều trị thích hợp.
Bạn có hội chứng buồng trứng đa nang, nhưng trong 2 tháng gần đây siêu âm có noãn trội, tức là có hiện tượng phóng noãn. Đây là dấu hiệu tốt vì triệu chứng của buồng trứng đa nang là không rụng trứng hoặc rụng trứng thưa thớt. Có vẻ như rối loạn nội tiết ở bạn không nặng nề nên mới có noãn phát triển và siêu âm thấy hình ảnh buồng trứng đa nang không điển hình. Còn vấn đề tăng prolactin máu, chỉ số prolactin của bạn đang tăng gấp đôi so với bình thường. Thông thường với trường hợp này, chúng tôi sẽ cho xét nghiệm lại vì khi lấy máu, chỉ cần bệnh nhân hơi đau một chút là prolactin cũng tăng lên. Do đó, nếu kiểm tra lại mà bình thường thì thôi, còn kiểm tra lại mà vẫn cao thì giả sử bạn có thai tự nhiên, chúng tôi sẽ khuyên bạn đi gặp bác sĩ liền. Bởi vì tăng prolactin sẽ ảnh hưởng lên quá trình tiếp nhận thai cũng như duy trì thai kỳ. Còn đối với những trường hợp chúng tôi có can thiệp như bơm tinh trùng hoặc làm thụ tinh ống nghiệm thì cách mà chúng tôi cho thuốc đối với bệnh nhân tăng prolactin máu sẽ khác hơn so với người bình thường”.
Đối với những cặp vợ chồng đang bắt đầu trên chặng đường tìm con, BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyên 2 vợ chồng nên khám và điều trị ngay ở ngày 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh. Tại đây bác sĩ sẽ khám, làm xét nghiệm, nếu được có thể bắt đầu chu kỳ điều trị luôn. Người chồng sẽ được khám với bác sĩ nam khoa tại trung tâm, trước khi đi khám nên kiêng xuất tinh từ 3-5 ngày. Lúc đi khám hai vợ chồng nên mang theo chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn photo công chứng của hai vợ chồng và còn giá trị sử dụng… để được tư vấn điều trị sớm nhất.
Trữ lạnh trứng là gì? Quy trình và thủ tục như thế nào?
Em 31 tuổi, chưa có kế hoạch lập gia đình. Em nghe nói càng lớn tuổi thì trứng càng suy giảm số lượng và chất lượng. Em có thể đi trữ trứng được không? Trữ trứng bằng cách nào, trữ được trong bao lâu, có đau đớn và mất thời gian hay không? Công nghệ trữ đông trứng hiện nay là như thế nào? Làm sao lựa chọn được một trung tâm trữ đông trứng có công nghệ cao và chất lượng tốt?
ThS.BS Giang Huỳnh Như giải đáp:
Cảm ơn các bạn câu hỏi về vấn đề trữ trứng hay trữ noãn mà chúng tôi hay gọi là trữ trứng xã hội. Càng ngày vai trò của người phụ nữ trong xã hội càng quan trọng hơn, họ bước ra xã hội nhiều hơn, chính vì điều đó mà độ tuổi mà người ta lập gia đình ngày càng muộn hơn, độ tuổi mà người ta có con có thai cũng sẽ muộn hơn. Chính vì lý do đó, càng ngày càng có nhiều phụ nữ mà người ta quan tâm đến vấn đề trữ trứng.
Như thông tin mà các chị đã chia sẻ trong câu hỏi, người phụ nữ càng lớn tuổi thì số lượng, chất lượng trứng càng giảm. Do đó, trữ trứng xã hội trở thành một cái cánh cửa, một biện pháp mà có một bệnh nhân từng chia sẻ với tôi là: “Em đi trữ trứng giống như em đi mua bảo hiểm cho khả năng sinh sản của em”. Thật sự tôi hoàn toàn đồng ý với ý này. Nếu như trước đây, vấn đề trữ trứng xã hội nó không nổi cộm bởi vì tế bào trứng là một trong những tế bào khó giữ lại nhất, nhưng hiện tại ở Việt Nam mà cụ thể là tại hệ thống IVF Tâm Anh thì mình hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật này.
Với kỹ thuật trữ lạnh trứng, người phụ nữ sẽ được kích thích buồng trứng để số lượng trứng thu được sẽ là tối ưu. Thông thường số lượng trứng mong đợi sẽ khoảng 10 đến 15 trứng, là có thể trữ. Với số lượng từ 10 – 15 trứng đó, theo kinh nghiệm của tôi thì có thể tạo ra được từ 3 đến 5 phôi ngày 5. Tại sao mình lại đặt ra mục tiêu 3 đến 5 cái phôi ngày 5? Bởi vì theo thống kê cho thấy, nếu chúng ta chuyển 4 phôi ngày 5 với nhóm phụ nữ dưới 40 tuổi thì 94% sẽ có em bé.
Tại IVFTA-HCM, chúng tôi đưa ra tiêu chí: làm sao để mỗi bệnh nhân đến, chúng ta phải trữ được 10-15 trứng. Để làm được điều này, đầu tiên người phụ nữ sẽ được kích thích buồng trứng. Tại Tâm Anh có phác đồ chỉ siêu âm 1 lần duy nhất và sau đó đi chọc hút trứng để tiết kiệm thời gian cho người phụ nữ đó. Sau khi lấy trứng ra, chúng tôi có các phương tiện để kiểm tra xem trứng đó có phương tiện để các vật liệu di truyền bám lên phân chia hay không? Từ đó chúng tôi đưa ra tiên lượng riêng với từng cá thể.
Tại sao ca này chỉ cần 10 trứng, tôi nói đủ rồi không trữ nữa, nhưng với ca khác tôi lại yêu cầu trữ thêm? Bởi vì nếu chúng ta trữ trứng thì đồng thời sẽ mong đợi sau khi rã đông phải sử dụng được số lượng trứng đó. Các tiên lượng này hết sức quan trọng.
Một nhóm bệnh nhân khác cũng quan tâm vấn đề trữ trứng, đó là những người phụ nữ không may bị ung thư. Đây là một bước tiến rất dài trong nhận thức. Hiện tại, ngành Ung thư học càng ngày càng phát triển, cho nên khả năng sống sau điều trị ung thư khá là tốt. Trước khi điều trị ung thư, người ta sẽ suy nghĩ sau khi điều trị ung thư lành bệnh thì sẽ có con như thế nào? Việc hóa trị và xạ trị sẽ ảnh hưởng ít nhiều lên số lượng và chất lượng trứng, thì đối với bệnh nhân ung thư chúng tôi sẽ có chiến lược khác hơn một chút so với các chị đến chỉ để trữ trứng xã hội. Sau khi thảo luận với khoa Ung bướu, chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình điều trị ngay lập tức, không cần chờ chu kỳ kinh.
Phải bắt đầu ngay lập tức, bởi vì với bệnh nhân ung thư, yếu tố thời gian vô cùng quan trọng. Sau khi trữ trứng xong, đối với các trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, chúng tôi sẽ tiến hành trữ mô buồng trứng để biết đâu được trong một tương lai không xa, có thể ghép lại cái mô đó vào trong cơ thể người phụ nữ. Việc ghép các mô buồng trứng vào lại cơ thể người phụ nữ có thể giúp: thứ nhất: duy trì về nội tiết cho người phụ nữ đó một cách tự nhiên, theo chu kỳ hàng tháng; và biết đâu được trong tương lai, chúng ta lại có thể có thai từ chính các trứng từ mô trữ lạnh đó.
Cho nên với các bệnh nhân bị bệnh lý ung thư phải cắt bỏ buồng trứng, chúng tôi vừa trữ trứng và trong tương lai chúng tôi sẽ trữ lại cả mô buồng trứng. Đây là các lựa chọn mà theo tôi là tốt nhất. Đặc biệt đối với người phụ nữ không còn thời gian để kích thích buồng trứng 10 ngày nữa, chúng tôi có một giải pháp nữa là nuôi trứng non. Nghĩa là sẽ chọc hút ngay lập tức và lấy trứng non nuôi cho đến khi trưởng thành rồi tiến hành trữ trứng.
Đây là các thông tin quan trọng và hết sức phù hợp cho những người phụ nữ không may, hoặc những phụ nữ muốn trì hoãn việc có con. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với kỹ thuật trữ trứng. Các chị hoàn toàn yên tâm với kỹ thuật trữ lạnh trứng, vì hiện tại khả năng trứng sống và sử dụng được sau trữ lạnh là trên 95%.
Trữ tinh trùng cho bệnh nhân ung thư trước khi thực hiện hóa/xạ trị
Anh tôi mới phát hiện ung thư, có khả năng phải hóa/xạ trị. Anh mới lập gia đình, chưa có con. Liệu anh có cần quan tâm đến việc trữ tinh trùng trước khi bắt đầu quá trình điều trị ung thư hay không, và trữ tinh trùng có hiệu quả để sau này làm thụ tinh ống nghiệm với vợ một cách bình thường không?
ThS.BS Lê Đăng Khoa giải đáp:
Việc bảo tồn chức năng sinh sản trước khi bước vào quá trình điều trị ung thư là một bước tiến rất dài. Trước đây, chúng tôi từng tiếp nhận những bệnh nhân sau khi hóa/xạ trị xong có mong muốn có con. Tôi khuyên các bạn nên đến những bệnh viện đa khoa có quy trình khép kín. Tại BVĐK Tâm Anh có khoa Ung Bướu điều trị ung thư, kết hợp với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để xây dựng phác đồ linh hoạt, sao cho đạt được mục đích vừa điều trị ung thư vừa đạt được mong muốn có con trong một thời gian gấp rút.
Về mong muốn trữ tinh trùng của anh bạn, trung tâm chúng tôi đã có giải pháp trữ tinh trùng để bảo tồn chức năng sinh sản cho những bệnh nhân điều trị ung thư. Mong sớm được gặp anh bạn tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM để chúng tôi có phác đồ điều trị phù hợp.
Quy trình trữ trứng được thực hiện như thế nào để đảm bảo chất lượng trứng sau rã
Thưa ThS.BS Giang Huỳnh Như, những yếu tố nào đó khiến cho việc trữ trứng dễ dàng? Cách đây vài năm, khi nghĩ đến chuyện trữ trứng hay trữ noãn, người ta còn rất là e dè vì nhiều người còn băn khoăn đến việc rã đông trứng, noãn đó thì tỷ lệ tạo phôi không cao. Vậy thì các yếu tố khoa học công nghệ nào để giúp chúng ta có thể trữ trứng an toàn?
ThS.BS Giang Huỳnh Như giải đáp:
Thật sự đây là một câu hỏi rất là hay. Như tôi có chia sẻ, tế bào trứng là một trong những tế bào khó trữ lại nhất, bởi vì thành phần tỷ lệ nước trong tế bào trứng quá nhiều. Cho nên trước đây rã đông sau khi trữ trứng, sẽ có tình trạng trứng sẽ chết hoặc không sử dụng được. Rất may mắn là hiện tại ở IVF Tâm Anh, chúng tôi trữ lạnh trứng bằng một kỹ thuật đặc biệt, và khả năng trứng sống sau khi rã đông cực kỳ cao, đó là phần về trang thiết bị kỹ thuật về trứng lạnh trứng. Bên cạnh đó, trước khi trữ lạnh trứng, chúng tôi sẽ có một công đoạn là quan sát xem trứng này có các phương tiện cho các vật liệu di truyền bám lên hay không? Yếu tố này là hết sức quan trọng trong phần tiên lượng khả năng chúng ta sẽ sử dụng cái trứng đó như thế nào?
Đã gọi là trữ trứng thì chúng ta phải quan tâm đến bước rã trứng và nuôi cấy phôi. Sau khi rã đông trứng, chúng tôi tiến hành đánh giá lại phương tiện mà nhiễm sắc thể sẽ bám lên đó. Sau khi rã trứng, các phương tiện đó không còn đứng yên mà sẽ thay đổi. Nếu như không nắm bắt các yếu tố này, cứ kết hợp làm phôi một cách bình thường, thì chất lượng phôi phần nào bị ảnh hưởng. Đây chính là những yếu tố kỹ thuật rất quan trọng làm cho việc trữ đông trứng, rã đông trứng, làm phôi với trứng trữ lạnh thành công.
Phôi bị bất thường nhiễm sắc thể (NST)
Em chào các Bác sĩ, em làm IVF năm 2021 nhưng phôi tạo được bị bất thường về NST. AMH của em là 6.12, chồng em tinh trùng bình thường 1%. Em có nguyện vọng làm IVF tại Tâm Anh ạ.
BS Ngô Đình Triệu Vỹ giải đáp:
Trường hợp của chị đang có những điểm cộng như AMH 6.12, nghĩa là số lượng trứng trên buồng trứng của mình khá tốt. Điểm cộng thứ 2 là về phía người chồng, có tinh trùng bình thường. Đây là các chất liệu ban đầu cần thiết mà mình có thể điều trị cho một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm với tỷ lệ thành công cao.
Tuy nhiên trong đợt điều trị trước vào năm 2021, chị làm thụ tinh ống nghiệm và có làm sinh thiết phôi, phát hiện phôi có những bất thường về nhiễm sắc thể. Vậy thì trong đợt điều trị tiếp theo, chúng ta cần nhìn lại một số vấn đề: nguyên nhân bất thường nhiễm sắc thể đến từ đâu? Do chất lượng trứng, hay đến từ phía tinh trùng?
Về phía chị, chúng tôi sẽ có phác đồ kích thích buồng trứng cũng như cũng có những khảo sát về bất thường di truyền cho cả 2 vợ chồng. Một xét nghiệm nữa mà chúng ta có thể cân nhắc, đó là xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng từ phía người chồng. Do một số người nam giới có những bất thường về phân mảnh này, cũng có thể là nguyên nhân gây ra phôi bất thường.
Tại IVF Tâm Anh, chúng tôi có phòng Lab với hệ thống tủ nuôi phôi hiện đại. Hiện tại IVFTA-HCM đang nuôi phôi bằng hệ thống động học, nghĩa là phôi được quan sát dưới camera liên tục. Chuyên viên phôi học quan sát được quá trình phát triển của phôi tại các thời điểm phôi phân chia, từ đó có thể đánh giá được phần nào những bất thường về di truyền. Khi đó chúng ta có thể sử dụng các kỹ thuật như sinh thiết phôi để kiểm tra di truyền của những phôi này nhằm loại bỏ những phôi có bất thường về di truyền, đồng thời lựa chọn những phôi hoàn toàn bình thường về mặt di truyền để chuyển vào tử cung người phụ nữ. Với phác đồ này, chúng ta có thể tăng tỷ lệ có thai.
Rất mong trong thời gian sắp tới, gặp được chị Thủy tại Trung tâm IVF Tâm Anh TP.HCM để chúng tôi tư vấn những phương án cụ thể và hướng điều trị sắp tới cho mình.
Phôi thoát màng áp dụng cho phôi ngày 3 hay phôi ngày 5?
Chào bác sĩ, phôi ngày 5 thì có cần làm phôi thoát màng hay không? Hay chỉ áp dụng phương pháp này cho phôi ngày 3 mà thôi? Phương pháp này sẽ do bác sĩ chỉ định hay bệnh nhân có thể yêu cầu ạ?
BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo giải đáp:
Đối với trường hợp của mình, nếu chị đã chuyển phôi ngày 5 thì thường chúng tôi sẽ không hỗ trợ phôi thoát màng, tự phôi sẽ thoát màng đi. Thông thường chúng tôi chỉ hỗ trợ phôi thoát màng đối với phôi trữ ngày 3. Đối với phôi tươi, chúng tôi cũng không hỗ trợ phôi thoát màng. Bởi vì những phôi đó có thể tự thoát màng được, chỉ có phôi trữ ngày 3 hơi bị dày nên mới hỗ trợ phôi thoát màng. Vì vậy chị yên tâm, khi đi điều trị các bác sĩ sẽ lựa chọn cho chị phương án tốt nhất, hỗ trợ mình sớm có tin vui.
Tiêm thuốc đặc trị bệnh lao có gây yếu sinh lý không?
Em 44 tuổi, kết hôn 2 năm mà chưa có em bé. Chồng em đã có 1 con riêng. Ngày xưa chồng em có mổ lao hạch trung thất phổi, có tiêm 1 mũi thuốc đặc trị của bệnh đó, gây ra yếu sinh lý và khả năng có con rất ít. Thông tin này có đúng không ạ? Vợ chồng em cần làm gì để sớm có con?
ThS.BS Lê Đăng Khoa giải đáp:
Không chỉ lao, cả những bệnh nhân điều trị ung thư sau một đợt hóa/xạ trị đều quan tâm đến vấn đề này. Về lý thuyết thì nó có ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản của chúng ta, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào liều lượng, thời gian điều trị và cơ địa bệnh nhân. Tôi rất mong sớm được gặp anh tại BVĐK Tâm Anh để xem thực tế hiện trạng của anh như thế nào, tổn thương ra sao. Đôi khi chúng ta cứ tập trung vào một nguyên nhân nào đó mà bỏ qua những nguyên nhân khác. Tùy theo ước muốn của bệnh nhân cũng như bệnh cảnh cụ thể và hiện trạng bệnh nhân như thế nào, chúng tôi sẽ vạch ra hướng điều trị cụ thể.
Nên chuyển phôi tươi hay là phôi trữ đông?
Thưa bác sĩ, nên chuyển phôi tươi hay là phôi trữ đông? Trường hợp nào có tỷ lệ mang thai thành công cao hơn ạ?
BS Ngô Đình Triệu Vỹ – Bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Phôi tươi và phôi trữ khác nhau ở một số điểm mà chúng ta có thể hình dung như thế này: Đối với phôi tươi, khi mình kích thích buồng trứng và tạo phôi, chuyển phôi ngay trong chu kỳ đó thì người ta gọi là chuyển phôi tươi. Khi mình đem những phôi này đi trữ đông lại, và mình đợi một chu kỳ kinh nguyệt mới, chuẩn bị nội mạc tử cung và rã những phôi này ra để chuyển, người ta gọi là chuyển phôi trữ.
Một trong những nghiên cứu khá nổi tiếng gần đây cho thấy tỷ lệ chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ là như nhau. Một vài nghiên cứu cho thấy việc chuyển phôi trữ lại có một số ưu điểm hơn. Ví dụ như bệnh nhân buồng trứng đa nang vừa rồi khi chuyển phôi trữ sẽ có lợi hơn, vì bệnh nhân này có nhiều trứng, khi mình kích thích buồng trứng như vậy thì nồng độ nội tiết sẽ tăng rất cao, sẽ ảnh hưởng lên nội mạc tử cung cũng như bệnh nhân có nguy cơ gặp phải hội chứng quá kích buồng trứng. Vì vậy trong những tình huống này bệnh nhân nên chuyển phôi trữ thì sẽ an toàn hơn cho bệnh nhân. Trừ một số trường hợp phôi của chúng ta có chất lượng không được như mong đợi thì có thể cân nhắc chuyển phôi tươi trong một số tình huống. Cái chỉ định này sẽ tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân. Và hầu hết tại IVFTA-HCM, chúng tôi chuyển phôi trữ vì có nhiều ưu điểm mà chúng tôi đề cập lúc nãy.
ThS.BS Giang Huỳnh Như chia sẻ thêm:
Thật sự chúng ta quyết định chuyển phôi tươi hay phôi trữ là tùy theo bệnh nhân. Nhưng mà có một thông tin chúng ta biết được là có đến 40% trường hợp bệnh nhân hiếm muộn có vấn đề tại nội mạc tử cung, và khi làm thụ tinh ống nghiệm thì đây là cách duy nhất chúng ta làm phôi trong một chu kỳ, và chúng ta giải quyết hết vấn đề của nội mạc tử cung ở một chu kỳ khác là khi chúng ta chuyển phôi trữ lạnh.
Bình thường mỗi tháng người phụ nữ chỉ có 1 trứng phát triển, giả sử nội tiết mình cho là 1 thì khi kích thích buồng trứng thì tháng đó nếu người phụ nữ có 10 trứng hoặc 15 trứng phát triển, thì nồng độ nội tiết sẽ tăng lên gấp 10 hoặc 15 lần. Điều đó tác động tiêu cực lên nội mạc tử cung. Do đó, tại sao chúng ta không tạo phôi trong một chu kỳ và chu kỳ sau đó chúng ta có thời gian hơn, chúng ta sẽ làm cho nội mạc tối ưu? Bởi vì trong thụ tinh ống nghiệm, khi chúng ta tạo ra phôi loại 1 thì luôn luôn là loại 1, loại 2 thì luôn luôn là loại 2 nhưng với nội mạc tử cung sẽ có rất nhiều cách để làm thay đổi nội mạc tử cung. Đó chính là bí quyết thành công của chuyển phôi trữ.
Nhiều nghiên cứu hiện nay cho thấy tỷ lệ có thai khi chuyển phôi trữ sẽ cao hoặc bằng so với chuyển phôi tươi. Như vậy, để tỷ lệ có thai của bệnh nhân nằm trong nhóm bằng hoặc nhóm cao hơn chuyển phôi tươi – đó chính là sự lựa chọn, sự tinh tế của bác sĩ điều trị. Thì đó là một số thông tin tôi muốn chia sẻ. Giống như trong nấu ăn vậy đó, mỗi nhà hàng sẽ có bí quyết trong phần nêm nếm thức ăn.
Vợ AMH thấp, chồng tinh trùng hình dạng bình thường 1% nên điều trị như thế nào?
Chào bác sĩ, tôi năm nay 32 tuổi, kết hôn gần 6 năm, không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có con. Tôi có đi thăm khám ở bệnh viện và kiểm tra tinh dịch đồ thì kết quả như sau: di chuyển nhanh = 0, di chuyển chậm 4%, mật độ 10 triệu/ml không tiến tới là 14%, tỷ lệ sống là 14%, hình dạng bình thường 1%. Bác sĩ ở đây bảo vẫn có cơ hội nhưng khả năng có con rất là thấp. Thêm nữa vợ tôi 30 tuổi, thăm khám bình thường nhưng xét nghiệm AMH thấp chỉ 1.05. Bác sĩ khuyên làm thụ tinh ống nghiệm để nhanh có con vì số lượng trứng còn lại trong buồng trứng rất ít so với độ tuổi 30. Với trường hợp vợ chồng tôi mong bác sĩ tư vấn cách cải thiện chỉ số tinh dịch đồ và mau chóng có con ạ? Cảm ơn bác sĩ.
ThS.BS Lê Đăng Khoa giải đáp:
Tôi xin khẳng định, trường hợp của anh chị là một trường hợp khá dễ. Lý do là chỉ cần 10-15 con tinh trùng thôi, chúng ta đã có thể làm một chu kỳ IVF với tỷ lệ thành công cao.
Với những thông tin anh cung cấp, chúng ta có thể làm phép tính rất dễ dàng. Nếu như người nam mỗi lần xuất tinh, tổng số tinh trùng xuất tinh khoảng 10 triệu thì lấy tổng số tinh trùng nhân với độ di động là ra số lượng tinh trùng mình mong muốn cho một lần điều trị. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần lưu ý, những trường hợp mà giả định chúng ta điều trị có con xong rồi, chúng ta mong muốn xác định nguyên nhân, giải quyết tình trạng và cải thiện chất lượng tinh trùng thì thông thường bác sĩ nam khoa sẽ thăm khám, hỏi bệnh sử, làm một số xét nghiệm chuyên sâu để khẳng định nguyên nhân. Cần biết nguyên nhân thì mới giải quyết được và cải thiện được chất lượng tinh trùng.
Trước đây, một số phiên bản của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy hình dạng tinh trùng rất quan trọng, nhưng lại có phiên bản người ta không quan trọng hình dạng tinh trùng. Một số nghiên cứu gần đây bắt đầu quan tâm đến hình dạng tinh trùng: hình dạng như thế nào, độ di động ra sao để có con. Tôi cảm thấy nam giới đã bắt đầu quan tâm đến bản thân mình.
Tốt nhất anh chị nên đến một trung tâm IVF tốt, có chuyên gia giỏi để chúng ta nhìn lại, xem vấn đề nằm ở đâu, đặc biệt là những trung tâm có góc nhìn đa chiều, phối hợp giữa hỗ trợ sinh sản nam và nữ. Nếu như chúng ta đến một trung tâm chỉ chuyên sâu về nữ thì sẽ có cái nhìn hơi phiến diện, chỉ tập trung vào chuyện có con thôi. Nếu đến trung tâm chỉ có nam khoa, chúng ta sẽ cải thiện được số lượng và chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên chuyện có con là của 2 người, nếu chỉ giải quyết vấn đề của nam giới thì có thể chúng ta lại làm lỡ đi cơ hội có con ở người phụ nữ, hoặc chỉ mới giải quyết vấn đề một cách gián tiếp, không giải quyết vấn đề một cách dài hạn. Cho nên tốt nhất, nên đến một trung tâm có sự phối hợp giữa nam lẫn nữ.
Phương pháp Era Test xác định thời điểm chuyển phôi
Tôi có đọc trên báo điện tử VnExpress thấy rằng các bác sĩ có cả phương pháp xét nghiệm để xác định thời gian phù hợp nhất của niêm mạc để chuyển phôi, đồng thời xét nghiệm này giúp xác định niêm mạc có viêm nhiễm hay vấn đề gì không để mà lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp nhất điều trị cho tình trạng này. Cho tôi hỏi thông tin đó có thật không ạ và có thể áp dụng trong trường hợp nào khi tôi đến điều trị tại IVFTA?
ThS.BS Giang Huỳnh Như giải đáp
Cảm ơn câu hỏi của bạn, điều đầu tiên tôi xin khẳng định đó là thật. Tôi nghĩ bạn đang đề cập đến một xét nghiệm là Era Test, giúp xác định chính xác thời điểm chuyển phôi có đúng vào cửa sổ làm tổ của phôi hay không.
Người ta thường hay ví von nội mạc tử cung là mô hết sức đặc biệt, nó có thể cho phôi, và cho dị ghép. Tôi dùng từ “dị ghép” ở đây vì dù phôi một phần đến từ người vợ, một phần đến từ người chồng, nhưng phôi vẫn cho phép bám vào trong nội mạc tử cung. Hoặc ngay cả với những trường hợp chúng ta đi xin noãn, không có thành phần nào là thuộc về người phụ nữ đó cả nhưng nội mạc tử cung vẫn cho phép phôi đó bám vào trong buồng tử cung và phát triển thành thai nhi.
Vì nội mạc tử cung đặc biệt như vậy, nhưng không phải lúc nào nội mạc tử cung cũng mở cửa. “Bạn ấy” chỉ mở ra một cửa sổ mà thôi trong một khoảng thời gian rất ngắn. Như vậy, vai trò của người bác sĩ hiếm muộn là làm sao chúng ta phải đặt phôi vào đúng khoảng thời gian hẹp đó – khi nội mạc tử cung đang rất rộng mở để đón các phôi vào. Lúc này, xét nghiệm Era Test sẽ thể hiện được vai trò của mình.
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và sử dụng xét nghiệm Era Test một cách hiệu quả nhất. Nhưng trước khi áp dụng xét nghiệm đó, người bác sĩ hiếm muộn phải xử lý toàn bộ những bất thường về nội tiết và bệnh lý có khả năng làm thay đổi về cửa sổ làm tổ. Lý do là chúng ta không thể yêu cầu bệnh nhân tháng này làm Era Test chưa đúng, tháng sau chị lại làm và tháng kế tiếp chị cũng sẽ làm. Thay vào đó, chúng ta sẽ xét nghiệm ở giai đoạn mà chúng ta nghĩ là gần đúng nhất, để giảm tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả tối ưu.
Trước đây người ta quan niệm lòng tử cung là một môi trường vô trùng, hoàn toàn không có vi khuẩn, thì hiện tại quan điểm đó đã không còn đúng nữa. Trong buồng tử cung vẫn có một số loại vi trùng, nếu như buồng tử cung khỏe mạnh thì những con vi trùng trong đó sẽ có vi trùng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với phụ nữ có bệnh lý thì các con vi trùng có lợi không còn nữa, thay vào đó là vi trùng có hại. Lúc này, chúng ta có các loại xét nghiệm để kiểm tra trường vi khuẩn, xác định loại vi khuẩn phổ biến nhất đang có trong lòng tử cung là loại vi khuẩn nào. Nếu như nó là loại vi khuẩn có hại thì nó sẽ nhạy cảm với loại kháng sinh nào, tức là loại kháng sinh nào có thể tiêu diệt được các con vi khuẩn này. Không chỉ tiêu diệt con vi khuẩn có hại đó xong, nhiệm vụ của bác sĩ hiếm muộn còn một giai đoạn vô cùng quan trọng nữa. Đó là đưa những con vi khuẩn có lợi trở lại buồng tử cung. Cho nên quá trình điều trị hiếm muộn khá là dài hơi và phức tạp. Nhưng nhìn nhận ở khía cạnh tích cực thì hiện tại có khá nhiều phương tiện để chúng ta biết được nguyên nhân. Nếu chúng ta biết được nguyên nhân thì thông thường chúng ta sẽ có giải pháp điều trị phù hợp với nguyên nhân đó.
Không có tinh trùng do vừa bị hội chứng Klinefelter vừa mất đoạn AZFc
Bác sĩ cho em hỏi chồng em bị không có tinh trùng do vừa bị hội chứng Klinefelter vừa mất đoạn AZFc. Em muốn hỏi bác sĩ nếu làm IVF vợ chồng em có khả năng thành công cao không ạ?
ThS.BS Lê Đăng Khoa giải đáp:
Với sự phát triển của khoa học hiện tại, đặc biệt là tại IVFTA-HCM, khả năng thành công nếu anh chị rơi vào trường hợp này là có. Tại IVFTA-HCM, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy và đã rất thành công.
Vấn đề ở chỗ, khi các bạn đến đây, ngoài việc giúp các bạn có con thì chúng tôi còn giúp bạn cải thiện chất lượng sống. Đại đa số bệnh nhân bị hội chứng Klinefelter bị hội chứng suy sinh dục, dẫn đến hiện tượng nữ giới mãn kinh và nam giới mãn dục sớm. Những người này có vấn đề di truyền nên cơ quan sinh dục không phát triển toàn mỹ như những người nam bình thường khác, đặc biệt là “nhà máy” sản xuất hormone sinh dục nam, trong đó chủ yếu là testosterone. Nếu như được phát hiện sớm, được điều trị sớm, đặc biệt là được bác sĩ nam khoa và bác sĩ nội tiết bổ sung nội tiết rất sớm và có kế hoạch điều trị từ lúc trước 30 tuổi như ở những nước phát triển, thì sẽ có nhiều cơ hội. Khoa học hiện nay đã chứng minh, đối với các trường hợp Klinefelter thì tiên lượng điều trị về chất lượng cuộc sống cũng như chất lượng sinh sản của người nam hoàn toàn khác biệt so với bệnh nhân sau 30 tuổi, nhưng điều đó không có nghĩa là các anh 35-40 tuổi đến với chúng tôi là vô vọng.
Vẫn có những trường hợp như anh, chúng tôi vẫn có thể giải quyết một cách dễ dàng. Đặc biệt, những trường hợp này chúng tôi còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong những năm tiếp theo cho đến 100 tuổi. Chúng tôi có các bác sĩ nam khoa, bác sĩ nội tiết rất giỏi, 30-40 năm kinh nghiệm. Thậm chí chúng tôi còn chủ động nhắc bệnh nhân đi khám định kỳ hàng năm để chăm sóc sức khỏe sinh sản, bởi vì chúng ta có 1 gia đình thì không chỉ cần những đứa con mà người cha, người mẹ còn phải khỏe mạnh, tạo ra giá trị để nuôi đứa trẻ đó thành công dân tốt.
Vấn đề mất đoạn AZFc, hiện tại theo thống kê của các tổ chức cũng như các hiệp hội trên Thế giới cho thấy những trường hợp này vẫn có khả năng tìm được tinh trùng. Có những thông tin trái chiều khác nhau, có tài liệu cho thấy đột biến này có thể di truyền cho thế hệ sau nhưng có những tài liệu ghi nhận không có sự khác biệt. Trong lúc chờ có sự khác biệt nào đó, những trường hợp vi mất đoạn thì khả năng sinh tinh của người nam sẽ giảm dần theo thời gian.
Những trường hợp này, chúng tôi chủ động đề nghị bệnh nhân trữ tinh trùng nếu như đã điều trị thành công cho có tinh trùng trở lại, hoặc dùng kỹ thuật micro-TESE để mổ tim bắt được tinh trùng. Đây là 1 kỹ thuật đột phá và nhân văn. Khi chúng ta đã tìm thấy được tình trùng và với số lượng ít có thể trữ lại, thậm chí nó phát triển mạnh tới mức chúng tôi có thể chia ra những mẫu nhỏ hơn và bệnh nhân có thể điều trị trong 2-3 chu kỳ tiếp theo. Trước đây khoảng 5-7 năm, chúng ta gần như chưa có nhiều hiểu biết về những trường hợp này, đa số các bác sĩ lâm sàng thường khuyên bệnh nhân nên đi xin tinh trùng. Thứ 2 là công nghệ không giúp chúng ta làm được điều đó. Và cuối cùng là những vấn đề về di truyền, hiểu biết của y học về vô sinh nam kết hợp với di truyền không nhiều, cho nên nó là vùng xám. Rất may mắn là trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, công nghệ ở Việt Nam đã phát triển và chúng ta mở rộng tầm mắt, chia sẻ với bệnh nhân công khai hơn. Đó là điểm đáng mừng trong năm mới này.
Di chuyển nhiều có tăng nguy cơ tụ dịch và sảy thai không?
Em bị tụ dịch nằm bệnh viện nhưng sau khi về nhà bị ra máu nâu rồi sảy thai. Em mang thai lần đầu IVF, có phải là do đi lại nhiều nên bị tụ dịch hay không vì em có đi cả cầu thang. Lần sau làm IVF em có phải nghỉ làm để nằm ở nhà hay không ạ?
BS Ngô Đình Triệu Vỹ giải đáp:
Vấn đề tụ dịch trong thai kỳ là dấu hiệu cho thấy thai có vấn đề, có dấu hiệu đang trong quá trình sảy thai. Trong lần điều trị sắp tới, chúng ta có thể bắt đầu đi tìm những nguyên nhân có thể đưa đến tình trạng sảy thai này. Về vấn đề đi lại của chị, bác sĩ cần hiểu rõ hơn là mức độ hoạt động của mình có nặng hay không. Tuy nhiên việc đi lên cầu thang hay vận động trong nhà hầu như không ảnh hưởng đến việc tụ dịch hay có sảy thai. Vấn đề bác sĩ quan tâm nhiều hơn là mình có những bất thường gì không trong thai kỳ lần này và lần điều trị IVF trước đó có những bất thường nào khác. Mình đã có tầm soát một số bệnh lý liên quan đến sảy thai hoặc có thiếu hụt về nội tiết trong thai kỳ hay không. Bác sĩ sẽ quan tâm vấn đề đó nhiều hơn việc đi lại, vận động năng trong thai kỳ lần này.
Thất bại chuyển phôi nhiều lần, có beta nhưng bị sảy sớm do đâu?
Liên quan đến vấn đề sảy thai thì có 1 nhóm người thắc mắc liên quan đến tình trạng chuyển phôi nhiều lần nhưng không đậu thai, chuyển phôi có beta nhưng sau đó không duy trì được thai kỳ. Thường tình trạng này do những nguyên nhân gì? Các bác sĩ tại IVFTA có những phương pháp nào có thể khắc phục những yếu tố nguyên nhân dẫn tới không đậu thai hoặc sảy thai sớm để giúp những người phụ nữ có thể mang thai khỏe mạnh, đạt thai kỳ 9 tháng 10 ngày hay không thưa bác sĩ Như?
ThS.BS Giang Huỳnh Như giải đáp:
Thật sự đây là mối quan tâm của rất nhiều bệnh nhân khi đi điều trị hiếm muộn. Tại vì mình đã chọn cách làm thụ tinh ống nghiệm rồi thì hy vọng đặt vào trong mỗi chu kỳ điều trị rất cao, mỗi lần thất bại là những tổn thương không chỉ về thể chất mà chủ yếu là về tinh thần rất nhiều. Đối với những trường hợp chuyển phôi không thành công, điều đầu tiên hết chúng ta nên xem xét phôi trước.
Đối với những trường hợp thất bại chuyển phôi nhiều lần thì điều đầu tiên là bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân tạo ra những phôi có chất lượng tốt. Bởi vì 70% trường hợp chuyển phôi có thai mà sảy thai là do bất thường di truyền của phôi, hoặc là chuyển phôi không thành công thì có thể do bản thân phôi không bình thường nên tử cung không tiếp nhận. Đây là cơ chế bảo vệ của loài người: những gì không tốt thì cơ thể của người mẹ không cho phát triển. Đó người ta gọi là chọn lọc của nội mạc tử cung. Do đó, yếu tố đầu tiên chúng tôi có thể giúp là cho bệnh nhân có phôi tốt, đây chính là vai trò của bác sĩ hiếm muộn và phòng Lab.
Vấn đề thứ 2 là tập trung vào nội mạc tử cung, nội mạc tử cung là 1 mô đặc biệt cho phép phôi dù nó là 1 dị ghép không có liên quan gì về cơ thể phụ nữ đó thì phôi đó vẫn có thể bám vào được. Tuy nhiên nó chỉ mở ra 1 cái cửa sổ mà thôi và các bệnh lý, các bất ổn nội tiết hay đôi khi do chủ quan khi chúng ta sử dụng nội tiết chưa đúng làm thay đổi cửa sổ làm tổ đó thì dù phôi có đẹp tới đâu đặt vào không đúng cửa sổ làm tổ thì bệnh nhân cũng không có thai được. Do đó vai trò của bác sĩ lúc nayflaf phải làm sao xác định cho đúng cửa sổ làm tổ thì sau đó mới đặt phôi vào. Đó chính là những động tác chúng ta nên làm để giúp người phụ nữ đó có thai.
Nếu sau khi chúng ta làm hết tất cả những vấn đề này mà bệnh nhân vẫn không có thai thì tại IVFTA, chúng tôi có thể 1 số kỹ thuật khác. Ví dụ như sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân cho phụ nữ có nội mạc tử cung mỏng, đây là 1 kỹ thuật đang được triển khai tại IVFTA.
Tôi cũng có 2 tin vui cho những người phụ nữ không may thất bại chuyển phôi nhiều lần, đó là sắp tới chúng ta có thêm 2 kỹ thuật mới sẽ được đem về tại IVFTA. Một kỹ thuật cũng dựa trên các tế bào thuộc vào nhóm tế bào gốc để giúp quá trình bám của phôi vào trong nội mạc tử cung. Kỹ thuật thứ 2 là ứng dụng loại môi trường nuôi cấy phôi hỗ trợ cho việc bám phôi vào trong nội mạc tử cung, bên cạnh 1 loại môi trường chúng tôi đã sử dụng trước đây mà từ thông thường tôi hay chia sẻ với bệnh nhân là keo dính phôi. Bản thân môi trường này về khoa học là axit hyaluronic và sắp tới sẽ có thêm 1 loại môi trường nữa. Tất cả những thông tin này, chúng tôi làm tất cả những điều này với mong muốn là sao cho bệnh nhân có tỷ lệ có thai tốt nhất.
Khái niệm về phôi ngày 3 và phôi ngày 5
Em được nghe các bác sĩ nói về khái niệm phôi ngày 3 và phôi ngày 5. Tỷ lệ thành công giữa 2 loại phôi này có khác nhau nhiều không ạ? Và mình có công nghệ nào để hỗ trợ tư vấn cho các cặp vợ chồng nên nuôi phôi ngày 5 hay chuyển phôi luôn ngày 3 không ạ? Mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Chúc các bác sĩ thật nhiều sức khoẻ, tâm huyết với nghề.
ThS.BS Giang Huỳnh Như giải đáp:
Thật sự có sự khác biệt rất lớn giữa phôi ngày 3 và phôi ngày 5. Phôi ngày 3 tính từ thời điểm kết hợp giữa trứng và tinh trùng là ngày 0 và nuôi thêm 3 ngày. Từ ngày 3, chúng tôi nuôi thêm 2 ngày nữa là phôi ngày 5. Đối với phôi ngày 3, toàn bộ quá trình phát triển lệ thuộc vào nguồn năng lượng đến từ trứng. Do đó chất lượng phôi ngày 3 thường là một yếu tố khách quan để phản ảnh nên chất lượng trứng. Từ phôi ngày 3, bộ gen của phôi sẽ được kích hoạt lên. Ban đầu tế bào trứng là 1 tế bào, tới ngày 3 phôi có khoảng 6 – 9 tế bào. Nhưng từ ngày 3 lên đến ngày 5 thì phôi ngày 5 có khoảng 200 tế bào. Đó là sự phát triển rất dữ dội từ ngày 3 lên ngày 5. Có chuyện đó vì bộ gen của phôi từ ngày 3 nó sẽ kích hoạt lên và phôi bắt đầu thể hiện thực sự phôi này có tốt hay không.
Vì lý do đó, tại IVFTA, chúng tôi nuôi cấy phôi đa số trường hợp được nuôi cấy phôi bằng động học. Từ việc nuôi cấy phôi bằng động học chúng tôi sẽ quan sát thấy tất cả những lần phân chia của phôi như thế nào? Mỗi lần phân chia, chúng tôi có cột mốc về thời gian mà phôi phải đạt được. Khi tới phôi ngày 3, về phía bác sĩ chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân với chất lượng phôi như thế này anh chị nên nuôi tiếp lên ngày 5 hay dừng lại ở ngày 3.
Thông thường, chúng tôi không để bệnh nhân quyết định, bởi vì các thông tin từ phía chuyên môn sẽ giúp bác sĩ hướng dẫn cho bệnh nhân có lựa chọn có lợi nhất cho bệnh nhân. Thời gian gần đây không chỉ có thể nuôi phôi bằng động học mà còn còn có thể nuôi phôi bằng trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đó là cách để giúp ta đánh giá chất lượng phôi một cách khách quan nhất. Thông thường, đối với hệ thống động học hoặc chúng ta nuôi cấy phôi thông thường thì đánh giá chất lượng phôi dựa trên kinh nghiệm của chuyên viên phôi học. Còn đối với trí tuệ nhân tạo thì tại IVFTA kết hợp cả 2 để đánh giá phôi bằng trí tuệ nhân tạo và có sự kiểm chứng bằng kinh nghiệm của các chuyên viên phôi học. Chính từ việc này, chúng ta sẽ phân loại – thường chúng tôi sử dụng thang điểm 10, những phôi từ điểm 7 trở lên khả năng bám rất tốt, những phôi điểm thấp hơn thì khả năng bám thấp hơn. Chúng ta có thể “xếp hạng” phôi từ đó góp phần giúp các bác sĩ rút ngắn thời gian từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi bệnh nhân có thai. Đó chính là sự khác biệt giữa phôi ngày 3 và phôi ngày 5. Khi nào nên nuôi phôi ngày 3, khi nào nên nuôi phôi ngày 5 – đó sẽ là phần tư vấn của bác sĩ dựa trên các thông số có từ việc nuôi cấy phôi bằng động học, đó sẽ chính xác nhất cho bệnh nhân.
Độc giả có thể xem thêm phần tư vấn, giải đáp thắc mắc của các chuyên gia về các bệnh lý vô sinh hiếm muộn, phương pháp, kỹ thuật điều trị trong tuần tư vấn về vô sinh hiếm muộn chủ đề “Ươm mầm sống – những kỹ thuật mới cao cấp tăng tỷ lệ thành công” tại đây
Comments are closed.